Vụ 42 người nhiễm HIV ở Phú Thọ: Chuyên gia HIV/AIDS lên tiếng

GD&TĐ - Con số 42 người nhiễm HIV ở xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ), đang khiến dư luận hoang mang. Trong khi chưa thể kết luận được nguồn lây, điều đặt ra lúc này là ngành Y tế, cơ quan chức năng sớm giúp người dân vượt qua cơn khủng hoảng, hạn chế thấp nhất số ca tiếp tục nhiễm bệnh.

Đường vào Kim Thượng những ngày này
Đường vào Kim Thượng những ngày này

Đường lây HIV, có nhiều vấn đề cần phải chú ý

Việc phát hiện ra 42 người mắc HIV chỉ trong một xã Kim Thượng - một xã miền núi với dân số không đông, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế Hoàng Đình Cảnh khẳng định, đó là con số cao nhưng chưa bất thường. Song, như ông nói vấn đề dịch tễ, đường lây HIV ở đây rất đặc biệt, có khá nhiều vấn đề cần phải chú ý.

Thí dụ, người nhiễm HIV ở Kim Thượng chiếm phần lớn là phụ nữ (26/42), trong chung cả nước thì tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV chiếm 1/3 tổng số ca. Hơn nữa, độ tuổi của những bệnh nhân nhiễm HIV ở xã này cũng khá lạ, có nhiều cháu còn rất nhỏ, ngược lại có cụ 80 tuổi cũng mắc bệnh. Một cháu bé 18 tháng tuổi nhiễm HIV dù mẹ bé không hề nhiễm, chứng tỏ nhiễm qua đường máu…

Tuy nhiên đó không phải là con số nhiễm bệnh mới phát hiện gần đây. Thực tế, qua hệ thống giám sát thường xuyên những năm gần đây, xã Kim Thượng mỗi năm phát hiện ra một vài ca nhiễm HIV. Trường hợp nhiễm đầu tiên ở xã xảy ra vào năm 2012, nhưng từ 2017 tăng nhanh.

Giữa năm 2018 thì có một người bệnh trong xã Kim Thượng tử vong do HIV khi điều trị tại bệnh viện. Trước tình hình đó, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức về điều tra, nghiên cứu chuyên biệt, cử đoàn về Kim Thượng khảo sát, lấy 490 mẫu máu của những người dân địa phương để xét nghiệm và phát hiện được 42 ca dương tính với HIV.

Và mặc dù đã có sự vào cuộc giám sát chuyên biệt của cơ quan chức năng trên cơ sở phát hiện bất thường từ giám sát thường quy, song dư luận vẫn đặt nghi vấn liệu 42 người nhiễm HIV ở Kim Thượng có phải bị lây nhiễm qua con đường sử dụng chung dịch vụ y tế tư nhân ở nhà một y sĩ trên địa bàn hay không?

Vấn đề này, ông Hoàng Đình Cảnh cho biết: Hiện Bộ Y tế và tỉnh Phú Thọ đã thống nhất chỉ đạo quyết liệt theo hai hướng, thứ nhất là đề nghị Công an vào cuộc, tiến hành điều tra. Hướng còn lại là nghiên cứu về mặt dịch tễ học và biện chứng. Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thiết lập nghiên cứu, đánh giá.

Để làm được các việc này không phải là một sớm, một chiều. Bởi nếu kết luận cuối cùng là bị lây nhiễm HIV do tiêm hành nghề y tư nhân thì sẽ phải xử lý hình sự về tội thực hiện sai các quy định về chuyên môn gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 325 Bộ luật Hình sự). Thế nên, phải làm chắc chắn, kết luận đúng người, không để oan sai.

Lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đến thăm hỏi người dân Kim Thượng
Lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đến thăm hỏi người dân Kim Thượng

Trách nhiệm chống lây nhiễm trong cộng đồng

Điều khiến nhiều người ngạc nhiên, liên quan đến việc quản lý những người nhiễm HIV trên địa bàn, một cán bộ chuyên trách HIV của xã Kim Thượng đã cho biết, trạm y tế xã không biết danh sách những người bị HIV vì những bệnh nhân này do Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tân Sơn quản lý và cấp thuốc.

Trả lời vì sao đến nay xã có người nhiễm HIV nhưng chính quyền xã và trạm y tế xã đều không nắm được, bà Nguyễn Ngọc Hoa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tân Sơn cho biết, đối với người bệnh bị nhiễm HIV và đã sử dụng thuốc ARV, theo Luật Phòng chống HIV, việc này liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân. Vì thế, Trung tâm Y tế dự phòng không có trách nhiệm báo cáo với chính quyền địa phương do đây là cơ quan ngành dọc!

Nhìn nhận bức tranh chung thì Kim Thượng là một xã có số mắc HIV cao, là một ổ dịch tiềm tàng và điều này là cảnh báo cho cộng đồng, các xã khác. Điều nguy hiểm nhất với dịch HIV, theo TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, là có bệnh nhân, có dịch mà không biết, khi đã không biết có người mắc bệnh thì nó sẽ lây lan rất mạnh.

Theo ông Sơn, vấn đề bây giờ là phải giải quyết, lấy quyền lợi, sức khỏe người dân là mục tiêu đầu tiên. Bệnh nhân sẽ được cấp thuốc ARV miễn phí trong ba tháng, điều trị tại nhà. Lây nhiễm HIV có nhiều nguồn lây khác nhau, như: Máu, tiêm chích, tình dục không an toàn…

Tuy nhiên, thông tin hiện nay chưa thể kết luận được nguồn lây tại địa phương là gì. Do vậy, để hạn chế thấp nhất số ca tiếp tục nhiễm bệnh cần thực hiện các biện pháp dự phòng HIV cơ bản. Những người đã dương tính với HIV cần sử dụng ARV càng sớm càng tốt.

Điều mà ngành Y tế, cơ quan chức năng cần phải làm hiện nay cho người dân nơi đây để vượt qua cơn khủng hoảng, cũng như hạn chế thấp nhất số ca tiếp tục nhiễm bệnh, theo TS.BS Trương Hồng Sơn đó là: Tổ chức ngay các hoạt động giáo dục truyền thông sức khỏe, tập trung về chủ đề HIV cho toàn bộ cộng đồng, để cộng đồng hiểu rõ về đường lây nhằm tránh hoang mang, kỳ thị người HIV.

Đồng thời giáo dục về các biện pháp chăm sóc người HIV để bệnh nhân và gia đình áp dụng nhằm duy trì sức khỏe. Tăng cường cán bộ y tế cho trạm y tế xã, áp dụng chặt chẽ các quy định về khám chữa bệnh. Tiến hành điều tra khách quan, minh bạch để tìm các nguyên nhân lây nhiễm nhằm ngăn chặn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.