Việt Nam ưu tiên triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, ngành y tế Việt Nam đang tập trung ưu tiên cho việc triển khai thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Những mũi tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên tại Hải Dương hôm 8/3. Ảnh: VNVC.
Những mũi tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên tại Hải Dương hôm 8/3. Ảnh: VNVC.

Tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng, Ban Thường vụ Đảng uỷ Bộ Y tế sáng ngày 10/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, ngành y tế đang tập trung ưu tiên cho việc triển khai thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Bộ Y tế đã yêu cầu các điểm tiêm chủng tăng tốc việc tiêm, để đảm bảo số lượng tiêm kịp thời.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã và đang nỗ lực để đàm phán, giúp Việt Nam tiếp cận được nhiều nguồn vắc xin phòng COVID-19.

Bộ Y tế cho biết, đợt tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc, với nguồn lực đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân. Do đó, khi đến lượt mình, người dân hãy đi tiêm chủng để bảo vệ cho cá nhân, người thân và vì một cộng đồng khỏe mạnh.

Sáng 8/3, Hải Dương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Các cán bộ y tế, những người trực tiếp tham gia công tác tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ lây nhiễm COVID-19 sẽ tiêm đợt này.

Theo kế hoạch Bộ Y tế đã gửi cho 13 tỉnh vừa có dịch và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ đã phân bổ cụ thể số lượng cho từng đơn vị và các đơn vị phải chủ động lên kế hoạch, đồng thời sắp xếp theo thứ tự ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Bộ Y tế sẽ đảm bảo chuyển vắc xin về các địa phương và các địa phương tiếp nhận theo quy trình, sau đó triển khai theo kế hoạch địa phương đó đã phê duyệt. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ trong trường hợp cần thiết, đánh giá và theo dõi quá trình trước, trong và sau tiêm vắc xin.

Phát biểu chỉ đạo tại điểm tiêm vắc xin COVID-19 của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương sáng 8/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã yêu cầu Chương trình Tiêm chủng mở rộng và các đơn vị thực hiện tiêm chủng nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của Chính phủ và Bộ Y tế về sử dụng vắc xin phòng COVID-19, giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vắc xin để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm; đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có).

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh giám sát để phát hiện những bất cập trong quá trình triển khai tiêm chủng, kịp thời rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình chuẩn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên tiêm vaccine COVID-19 cho cán bộ y tế của Hải Dương hôm 8/3. Ảnh: TTCP.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên tiêm vaccine COVID-19 cho cán bộ y tế của Hải Dương hôm 8/3. Ảnh: TTCP.

Bộ Y tế cho biết, vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca sử dụng lần này là vắc xin mới, vì vậy ngành y tế các cấp cũng đã chuẩn bị tốt nhất cho tình huống có thể xảy ra.

Tại tất cả các điểm tiêm, công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo, hộp chống sốc được trang bị đầy đủ để xử trí tại chỗ kịp thời. Các bệnh viện cũng đã sẵn sàng tổ chức các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các điểm tiêm.

Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR), tính đến cuối giờ chiều 9/3, tại các điểm tiêm chủng đã thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho 522 người là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng.

Ghi nhận một số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng vắc xin COVID-19 AstraZeneca, đại đa số là phản ứng thông thường sau tiêm chủng đã được khuyến cáo như đau cơ, mệt mỏi, sốt, đau đầu, ớn lạnh, sưng đau tại chỗ tiêm, buồn nôn…

Chương trình TCMR đánh giá thực tế triển khai tiêm chủng trong hai ngày qua diễn ra an toàn, các trường hợp có phản ứng sau tiêm nằm trong tỷ lệ cho phép.

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo diễn ra sáng 5/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, đề nghị khi có vắc xin ngừa COVID-19, Bộ Y tế cần tổ chức tiêm an toàn, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời từng bước tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân.

Yêu cầu triển khai nhanh các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ về vắc xin ngừa COVID-19, Bộ Y tế có trách nhiêm tổ chức việc tiêm ngừa một cách an toàn, hiệu lực, hiệu quả; phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể, nếu có sự cố thì phải bình tĩnh xử lý.

Phó Thủ tướng đề nghị mọi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế; các trường học, cơ sở y tế, nhà máy, chợ, siêu thị, cơ sở lưu trú… chủ động tự đánh giá mức độ an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh và cập nhật thông tin lên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19 (www.antoancovid.vn). Đây là những biện pháp phòng, chống dịch căn bản, đảm bảo an toàn trong lâu dài.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Vì sức khỏe nhân dân, cần phải đôn đốc triển khai quyết liệt, thậm chí tạm đình chỉ hoạt động những nơi không thực hiện nghiêm túc việc đánh giá mức độ an toàn trước dịch bệnh".

Cùng với đó, các lực lượng cần triển khai nhanh các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ về vấn đề vắc xin ngừa COVID-19. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế trong việc tiếp cận vắc xin nước ngoài ngay từ rất sớm và thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vắc xin ở trong nước.

Khi có vắc xin ngừa COVID-19, Bộ Y tế tổ chức tiêm an toàn, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời từng bước tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp hôm 5/3. Ảnh: VGP.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp hôm 5/3. Ảnh: VGP.

"Khi triển khai tiêm, phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể, nếu có sự cố, phải bình tĩnh xử lý", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Theo Phó Thủ tướng: "Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi 2 lý do chính. Thứ nhất, trước đây trong những đợt tiêm chủng vắc xin mở rộng, tiêm chủng cho trẻ em, khoảng mấy triệu liều/đợt, nhưng cũng có lúc xảy ra sự cố, sơ xuất.

Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, nếu có vắc xin ngừa COVID-19 sẽ tiêm hàng chục triệu liều. Kể cả vắc xin đã ổn định cũng không tránh khỏi sơ suất, nếu không chuẩn bị tốt thì những sơ suất có thể biến thành sự cố lớn.

Thứ hai, danh sách các vắc xin ở trong nước trước đó đều phát triển theo quy trình bình thường. Trong khi đó, các vắc xin ngừa COVID-19 được nghiên cứu, phát triển theo trong tình hình khẩn cấp; do đó, phải cảnh giác và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong việc tiêm vắc xin sắp tới".

Tại cuộc họp trực tuyến với hơn 700 điểm cầu trên cả nước để triển khai công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Khác với các nước và khác với các quy trình tiêm chủng trước đây, Việt Nam sẽ thực hiện khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng, dù mất nhiều thời gian hơn.

Đây chỉ là một trong số các bước mà Việt Nam thực hiện trong quá trình triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19 để bảo đảm an toàn cho người được tiêm. Toàn bộ quy trình tiêm chủng trong chiến dịch phòng ngừa dịch bệnh quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta được giám sát chặt chẽ và đầy đủ các bước.

Việc triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 khẩn trương nhưng phải chắc chắn, bảo đảm nguyên tắc công bằng vắc xin của Liên Hợp Quốc, thông tin đầy đủ cho người dân, chuẩn bị kỹ càng, bảo đảm an toàn cao nhất.

Ngày 6/3, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn trực tuyến triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và xử trí sốc phản vệ cho nhân viên y tế các tuyến tỉnh, huyện, xã trên cả nước và nhân viên hệ thống tiêm chủng VNVC.

Do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong quá trình triển khai tiêm chủng lần này, ngoài đảm bảo an toàn tiêm chủng, các địa phương phải tuân thủ nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật phòng lây nhiễm SARS-CoV-2. 

Hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn cho người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 là ưu tiên cao nhất, Bộ Y tế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát cùng với các địa phương về thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ”, đảm bảo sẵn sàng các phương tiện phòng chống sốc và xử trí kịp thời, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc đúng đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo công bằng trong tiếp cận vắc xin.

Cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vắc xin nào khác, vắc xin COVID-19 có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn đến nghiêm trọng như sốc phản vệ.

Sau khi tiêm vắc xin, người được tiêm chủng cần ở lại cơ sở y tế 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi tình trạng sức khỏe; và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 1-2 ngày tiếp theo. Khi gặp các dấu hiệu bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.