Ứng dụng Liệu pháp điều trị ung thư đoạt giải thưởng Nobel y học 2018: Chi phí bằng 1/2 so với Nhật Bản

GD&TĐ - Thông qua sự chuyển giao công nghệ của các chuyên gia Nhật Bản, Giáo sư Tạ Thành Văn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen và Protein, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cùng cộng sự đã ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tự thân với hướng tiếp cận khác. Thử nghiệm ban đầu cho thấy, liệu pháp này mang lại nhiều kết quả tích cực cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam.

Giáo sư Tạ Thành Văn (ảnh trái) cùng thầy là Giáo sư Tasuku Honjo
Giáo sư Tạ Thành Văn (ảnh trái) cùng thầy là Giáo sư Tasuku Honjo

Liệu pháp đoạt giải Nobel Y học

Giải Nobel Y học 2018 vừa được trao cho Giáo sư Tasuku Honjo (76 tuổi, ĐH Kyoto, Nhật Bản) và Giáo sư James P. Allison (70 tuổi, ĐH Texas, Mỹ). Cả 2 cùng tìm ra liệu pháp điều trị ung thư bằng cách: Kích hoạt tế bào miễn dịch của cơ thể để chúng nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư. Đây được xem là một hướng đi có tính chất đột phá trong việc chữa trị căn bệnh vẫn được coi là vô phương cứu chữa.

Giáo sư Mỹ James P. Allison (phát hiện ra CTLA4) và đồng nghiệp Nhật Bản - Giáo sư Tasuku Honjo (phát hiện ra PD1). Cả 2 yếu tố trên đều là tác nhân điều biến miễn dịch và có vai trò quan trọng trong bệnh học ung thư. Cụ thể, kháng thể kháng PD1 và kháng thể kháng CTLA4 đã được dùng để điều trị ung thư. Các loại thuốc chứa các kháng thể trên có vai trò hoạt hoá và kéo dài tuổi thọ của các tế bào miễn dịch đặc hiệu để các tế bào này có thể tấn công các tế bào ung thư.

Theo Giáo sư Tạ Thành Văn (học trò của GS Tasuku Honjo), các nhà khoa học của Trường ĐH Y Hà Nội đã dựa trên nguyên tắc của công trình đạt giải Nobel là tăng cường chức năng của hệ miễn dịch tế bào trong cơ thể bệnh nhân, nhưng theo hướng tiếp cận hơi khác. Cụ thể, nhóm nghiên cứu của ông đã thông qua việc phân lập tế bào miễn dịch từ máu ngoại vị của bệnh nhân, tăng sinh và hoạt hoá ngoài cơ thể rồi đưa lại vào chính cơ thể bệnh nhân để điều trị. Một liệu trình điều trị sẽ gồm 3 tháng, với 6 lần truyền, mỗi lần cách nhau 2 tuần.

Kết quả tích cực khi điều trị

Chia sẻ về quá trình điều trị thử nghiệm cho các bệnh nhân ung thư, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Thành Văn cho biết: Chúng tôi hoạt hóa tế bào ung thư ở bên ngoài cơ thể với mục đích cuối cùng là tăng cường sức đề kháng của bệnh nhân, tăng số lượng tế bào có thẩm quyền miễn dịch, đồng thời tăng cường chức năng của tế bào miễn dịch này thông qua việc hoạt hoá chúng trong điều kiện nuôi cấy đặc biệt để các tế bào này có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư. Ở mỗi bệnh nhân, chúng tôi lấy ra được từ 10 đến 30 ml máu ngoại vi và sẽ tách ra được vài tỷ tế bào rồi truyền lại cho bệnh nhân.

 

Mục đích của liệu pháp này mà chúng tôi ứng dụng trong điều trị bệnh ung thư nhằm hướng đến việc giúp các bệnh nhân có một cuộc sống chất lượng, khỏe mạnh hơn trong mỗi ngày. Điều trị bằng phương pháp này bệnh nhân sẽ hạn chế tối đa được đau đớn, sinh hoạt bình thường, sống có ý nghĩa hơn với bản thân. Tại Nhật Bản, họ đã điều trị theo phương pháp này trên 10 nghìn lượt người và có khoảng 60% bệnh nhân đáp ứng tốt liệu trình điều trị. 3% bệnh nhân giai đoạn 3b và 4 có khối u di căn không phát triển hoặc biến mất.


GS.TS Tạ Thành Văn

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội

“Chúng tôi nhận chuyển giao phương pháp điều trị này từ Nhật Bản. Từ cuối năm 2013, nhóm bắt đầu có ý tưởng về hướng điều trị này. Năm 2015 chúng tôi đi vào nghiên cứu, đầu năm 2017 phương pháp được đưa vào thử nghiệm. Ngày 30/11/2017, Bộ Y tế đã có quyết định chính thức cho việc thử nghiệm lâm sàng để điều trị bệnh ung thư tại Việt Nam. Chúng tôi đã thử nghiệm phương pháp điều trị này trên khoảng hai chục bệnh nhân. Ghi nhận ban đầu, các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân được cải thiện khá rõ rệt, làm tăng chất lượng cuộc sống của người bệnh” - Giáo sư Văn cho biết.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Thành Văn, việc tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm được thực hiện trước hết trên 5 loại ung thư phổ biến là phổi, gan, vú, dạ dày và đại trực tràng. Tuy nhiên, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cũng nhận điều trị thêm các hoại hình ung thư khác (trừ ung thư máu) theo hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản. “Qua việc điều trị một số ca lâm sàng, chúng tôi thấy sự biến chuyển khá tốt. Ví dụ, một bệnh nhân là một cụ bà gần 80 tuổi mắc chứng bệnh ung thư nhầy đường tiêu hóa đã được điều trị theo phương pháp này. Sau khi phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhâu hầu như suy sụp, thậm chí khi đi lại phải có người dìu. Tuy nhiên, khi được đưa đến đăng ký điều trị, ngay lần truyền đầu tiên sức khỏe của bệnh nhân đã tiến triển tốt. Dù chưa hết lộ trình là 6 lần truyền, cụ đã đi lại bình thường bằng xe buýt, trông nom được các cháu. Mỗi lần gặp các bác sĩ cụ đều tự đi lại bình thường và tinh thần rất phấn khởi. Thông thường việc điều trị ung thư như thế này thường áp dụng cho những người mắc ung thư ở giai đoạn cuối. Bệnh nhân hầu như không đau đớn. Họ ăn, ngủ được, tinh thần khá ổn định và chất lượng cuộc sống tăng đáng kể” - Giáo sư Tạ Thành Văn đã chia sẻ như vậy.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Huy Thịnh, Phó Trưởng bộ môn Hóa sinh Trường Đại Học Y Hà Nội (người cùng trong nhóm nhiên cứu) cũng cho biết thêm: Trường ĐH Y Hà Nội đang hướng tới mục tiêu tạo ra các liệu pháp điều trị hiệu quả cao hơn nữa, nhưng phải bảo đảm tính an toàn. Điều này đòi hỏi sự đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất cho trung tâm “chế biến” tế bào của trường. Bên cạnh đó, với liệu trình điều trị mà nhóm của chúng tôi lựa chọn, mức chi phí về giá thành sẽ thấp hơn một nửa so với điều trị tại Nhật Bản, và bằng hơn 1/3 so với ở Thái Lan. Đây chính là cơ hội và điều kiện điều trị tốt đối với bệnh nhân mắc bệnh ung thư tại Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hiệu quả là mấu chốt

GD&TĐ - Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.