Trẻ tử vong sau tiêm vắc xin: Vẫn do sốc phản vệ?

GD&TĐ - Ngành y tế cho rằng, nếu không tiêm vắc xin nguy cơ trẻ tử vong sẽ cao hơn, nhưng những lý giải xung quanh nguyên nhân tử vong của trẻ sau khi tiêm chưa kịp thời và rõ ràng - nhất là khi ComBE Five mới được đưa vào tiêm đại trà - khiến người dân không khỏi hồ nghi.

Trẻ phải được theo dõi liên tục sau khi tiêm chủng
Trẻ phải được theo dõi liên tục sau khi tiêm chủng

3 trẻ tử vong sau tiêm

Theo Bộ Y tế, đến đầu tháng 1/2019, hơn 130.000 trẻ đã được tiêm vắc xin ComBE Five. Theo báo cáo của các địa phương, tỉ lệ trẻ phản ứng sau tiêm ComBE Five là 1,73% và 0,05% có phản ứng nặng sau tiêm (sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, thậm chí tử vong). Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, thì tỷ lệ này ở giới hạn an toàn.

Tuy nhiên, sự việc sau tiêm chủng có ba trẻ tử vong, trong đó hai trẻ ở Nam Định chưa rõ nguyên nhân, khiến nhiều bậc cha mẹ lo ngại. Trả lời về vụ việc này, ngày 16/1, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết: Nguyên nhân bé gái 2 tháng tuổi ở Hà Nội tử vong (ngày 10/1) sau khi tiêm ComBE Five là do sốc phản vệ. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng vẫn phải chờ kết quả pháp y và dự kiến sẽ có trong vòng một tháng.

Trước đó, bé gái 2 tháng tuổi nói trên được bố mẹ đưa đến Trạm Y tế xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, để tiêm vắc xin. Bé được kiểm tra sức khỏe trước tiêm và được kết luận là đủ điều kiện tiêm chủng. Theo dõi bé gái sau tiêm 30 phút tại trạm y tế, nhân viên y tế đã phát 2 gói thuốc Acepron 80mg (Paracetamol) cho gia đình để phòng khi về nhà trẻ có sốt.

Theo mẹ bé, đến trưa cùng ngày, gia đình chủ động cho bé uống Acepron dù trẻ chưa có biểu hiện bất thường. Buổi chiều người nhà thấy bé nóng, môi đỏ, không quấy khóc nhưng không được nhanh nhẹn như mọi khi. Tối cùng ngày, trẻ sốt (gia đình không cặp nhiệt độ) nhưng vẫn bú bình thường, không khóc, không tím. Gia đình cho bé uống thêm một gói Acepron để giảm sốt. Khuya bé tiếp tục sốt, gia đình mua thêm thuốc Colocol (Paracetamol 80 mg, dạng bột) cho uống. Sáng sớm hôm sau, bé đỡ quấy khóc và ngủ cùng bố mẹ. Đến 7 giờ sáng thì bé chảy máu mũi, cơ thể lạnh, không động đậy.

Y tá thôn kiểm tra thấy cháu đã ngừng thở. Cháu bé được đưa vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Thạch Thất với tình trạng người lạnh, tím tái, mũi sùi bọt hồng, mạch không bắt được. Các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng không thành. Kiểm tra quy trình tiêm chủng, Sở Y tế Hà Nội đánh giá Trạm Y tế xã đủ điều kiện thực hành tiêm chủng. Tại Trạm Y tế xã Cần Kiệm, sáng 9/1, ngoài bé gái này còn có 38 trẻ khác cũng được tiêm vắc xin ComBE Five nhưng không ghi nhận phản ứng bất thường.

Tử vong cao hơn nếu không tiêm chủng

Trước lo ngại của người dân về tình trạng trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin, nhất là vào thời điểm ComBE Five vừa được sử dụng tiêm chủng đại trà, ngành Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác xử lý phản ứng sau tiêm chủng. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, không tiêm chủng chắc chắn sẽ mắc bệnh, mắc bệnh càng nhiều, nguy cơ tử vong sẽ càng cao hơn, chi phí điều trị bệnh nhiều hơn.

Trong khi đó, tiêm chủng bảo đảm phòng bệnh tốt, chi phí lại thấp. Tuy nhiên, nhìn nhận cả về thực tiễn lẫn lý thuyết, tiêm chủng không an toàn tuyệt đối. Tiêm vắc xin cũng có phản ứng không mong muốn. Bởi khi vào cơ thể, kháng nguyên sinh kháng thể sẽ có phản ứng, nhẹ nhất là sốt. Nếu không có phản ứng đó sẽ khó lòng sinh ra kháng thể chủ động. Với người càng khoẻ mạnh, trẻ bụ bẫm thì phản ứng sốt càng cao, chứng tỏ kháng nguyên sinh kháng thể tốt. Còn với trẻ yếu thường không đáp ứng tiêm kháng nguyên vào nên gần như không có phản ứng. Do đó, trẻ có biểu hiện sốt, quấy khóc, sưng đau, đỏ... sau tiêm là phản ứng thông thường.

“Tỷ lệ trẻ tử vong dưới 1 tuổi ở Việt Nam khoảng 20 – 30 trẻ/ngày do nhiều nguyên nhân, nhưng nếu rơi vào trẻ sau tiêm chủng nhiều người sẽ nghĩ là do vắc xin nhưng đây là nguyên nhân khách quan. Nguyên nhân chủ quan có thể là cơ thể trẻ quá mẫn cảm, phản ứng quá mạnh. Hoặc do gia đình không phát hiện kịp thời. Gia đình trẻ xa cơ sở y tế, khi đến nơi thì không cứu được nữa”, phân tích nguyên nhân trẻ tử vong sau tiêm chủng, Bộ trưởng Y tế cho biết.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh: Thông điệp mà chúng tôi đưa ra cho các bác sĩ tại cơ sở là phải sàng lọc thật tốt các cháu bé trước khi tiêm chủng. Đặc biệt sau khi tiêm chủng xong, bác sĩ cần phải dặn các bà mẹ những thông tin cơ bản để họ theo dõi và chăm sóc con của mình.

Thông thường trẻ sẽ quấy và sốt nhẹ. Nhưng một số cháu có thể có những phản ứng mạnh hơn: Sốt cao kéo dài, sau 12 tiếng trẻ mới sốt, trẻ có biểu hiện phát ban, khó thở hoặc có những biểu hiện về tri giác như ly bì, bỏ bú… là những dấu hiệu cần phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế.

Việc cho trẻ đi tiêm chủng phòng ngừa bệnh là việc cần thiết. Song, để xảy ra tình trạng trẻ tử vong sau khi tiêm là vấn đề mà cả ngành Y tế phải xem xét, đồng thời cần tìm ra nguyên nhân và lý giải rõ hơn mới tránh gây hoang mang cho các gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ