TP Hồ Chí Minh sẽ xét nghiệm Covid-19 toàn bộ người dân tại quận, huyện có nhiều ca nhiễm

GD&TĐ - Tổ chức và tăng cường năng lực xét nghiệm, tăng cường điều tra truy vết, khoanh vùng trong 1 giờ,... là những mũi nhọn trong đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 2151/KH-UBND về Kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (từ ngày 29/6/2021 đến 10/7/2021).

Theo đó căn cứ tình hình diễn biến dịch để đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm ngăn chặn, kiểm soát, đầy lùi nhanh dịch bệnh, sớm ổn định tình hình, tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian 1 tuần. Các nội dung cụ thể như sau:

Tăng cường truy vết, khoanh vùng, triển khai tự test nhanh Covid-19 cho công nhân

Tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch bằng cách tiến hành xác định khu vực khoanh vùng trong vòng 01 giờ hoặc sớm hơn sau khi có xét nghiệm khẳng định nhiễm Covid-19. Trong đó ưu tiên xét nghiệm kiểm tra theo chuỗi tiếp xúc gần, có nguy cơ lây nhiễm cao, có kết quả trong vòng 12 giờ để nhanh chóng tầm soát các ca nhiễm.

Tổ chức và tăng cường năng lực xét nghiệm. Tập trung lấy mẫu toàn bộ người dân tại các quận, huyện đang có nhiều ca nhiễm như: Quận 8, quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh.

Nâng cao năng lực xét nghiệm, tại các khu cách ly, khu phong tỏa, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm hàng ngày, phân tích tình hình các ca (F0) và các F1 để xác định nguyên nhân; trường hợp test nhanh âm tính thì tiến hành xét nghiệm mẫu gộp 5, 10 bằng RT-PCR; phấn đấu thực hiện 1 triệu mẫu gộp/ngày.

Tổ chức triển khai tự test nhanh Covid-19 cho công nhân, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp tự chi trả chi phí mua test nhanh và xét nghiệm cho người lao động 01 lần/tuần.

Nhân viên lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh minh họa.

Nhân viên lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh minh họa.

Đảm bảo các khu cách ly đều có camera giám sát

Tăng cường năng lực cách ly, các khu cách ly tập trung bố trí mỗi phòng chứa tối đa 2 người, theo nguyên tắc cùng đặc điểm dịch tễ, giường được xếp đảm bảo khoảng cách 2 mét và có nhà vệ sinh riêng. Phòng cách ly không có máy lạnh và được mở cửa cho thông thoáng.

Công tác vệ sinh khử khuẩn các khu vực chung được tăng cường ít nhất 2 lần/ngày.

Đảm bảo các khu cách ly đều có camera giám sát sự tuân thủ quy định của người cách ly.

Người cách ly có nguy cơ lây nhiễm chéo vì vậy cần đeo khẩu trang thường xuyên, tự vệ sinh cá nhân và phòng cách ly, hạn chế tiếp xúc người trong phòng, không được giao lưu với các phòng khác.

Tăng cường năng lực điều trị chủ động sẵn sàng kịch bản ứng phó của khối điều trị trong tình huống Thành phố Hồ Chí Minh có 10.000 ca nhiễm; nhanh chóng thực hiện chuyển đổi công năng của các bệnh viện trực thuộc Thành phố đảm bảo đủ điều kiện điều trị bệnh nhân Covid-19.

Phóng viên được tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa.

Phóng viên được tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa.

Phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ có 2/3 người dân được tiêm vắc xin

Thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, thành phố phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ có 2/3 người dân Thành phố được tiêm vắc xin.

Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các nhóm có nguy cơ cao tại khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các doanh nghiệp có quy mô lớn; Nhóm nguy cơ trong bệnh viện; Nhóm nguy cơ tại chợ đầu mối, chợ truyền thông; Các nhóm nguy cơ khác như: người nhập cảnh; thành viên các tổ bay quốc tế; nhân viên sân bay; thuyền viên, hành khách, tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, …

Ngoài ra, để kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19, cần tăng cường các ứng dụng công nghệ thông tin; kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố, đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh Covid-19 đến người dân.

Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Y tế là cơ quan chủ lực trong đợt cao điểm phòng chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.