TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Y tế cấp tối thiểu 4 triệu liều vắc xin Covid-19 trong tháng 8

GD&TĐ - Thông tin được Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đề cập đến tại buổi giao ban trực tuyến ngắn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ chiều 2/8.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiện TP Hồ Chí Minh đang tận dụng thời điểm giãn cách xã hội để tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 5 cho người dân với 821.000 liều, từ ngày 22/7-1/8.

Thành phố đã đơn giản hóa quy trình và đội hình, huy động lực lượng y tế tư nhân, mở rộng 1.200 điểm để tiêm cho nhiều người, phấn đấu trong tháng 8/2021 sẽ đẩy nhanh tiến độ, tiêm được mũi 1 cho khoảng 70% dân số trên địa bàn Thành phố.

Để bảo đảm tiến độ và kế hoạch tiêm chủng, TP Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phân bổ vắc xin liên tục cho Thành phố.

Bộ Y tế khuyến nghị, dựa trên điều kiện thực tiễn của TP Hồ Chí Minh sẽ giảm bớt quy trình, thời gian theo dõi sau tiêm, đã áp dụng trong đợt tiêm chủng vắc xin vừa qua và tốc độ tiêm chủng đã được tăng.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đánh giá Thành phố đã thực hiện giãn cách nghiêm, chặt hơn và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin.

Đội tiêm vắc xin Covid-19 lưu động đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NLĐ.

Đội tiêm vắc xin Covid-19 lưu động đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NLĐ.

TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cấp tối thiểu 4 triệu liều vắc xin trong tháng 8/2021, tuy nhiên, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu TP Hồ Chí Minh phải có kế hoạch cụ thể đến từng ngày với phương án cao nhất và phương án bình thường để Bộ Y tế chủ động cân đối nguồn vắc xin.

Thành phố cần tích cực tuyên truyền mạnh mẽ với người dân về tác dụng bảo vệ của vắc xin. Theo đó, người đã tiêm vắc xin vẫn có thể bị nhiễm Covid-19 với triệu chứng nhẹ hơn nhưng có thể lây cho người khác do vậy không được chủ quan, vẫn phải thực hiện nghiêm 5K.

Việc tiêm vắc xin không là bắt buộc theo quy định của pháp luật nhưng là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người đối với sức khoẻ bản thân và cộng đồng.

Ban Chỉ đạo đánh giá thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã làm rất tốt, ngày càng chú ý hơn trong việc giữ vùng an toàn (vùng xanh), chuyển vùng nguy cơ (vùng vàng) thành vùng an toàn xanh. Ban Chỉ đạo đề nghị Thành phố có những biện pháp làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn để giữ vững vùng xanh, chuyển nhanh vùng vàng ở tất cả các quận, huyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ