Tiếc của dùng thực phẩm nấm mốc, coi chừng "dính" ung thư gan

GD&TĐ - Mặc dù đã rửa sạch trước khi chế biến nhưng thực phẩm nhiễm nấm mốc vẫn vô cùng độc hại, thậm chí có thể là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư, đặc biệt là ung thư gan.

Tiếc của dùng thực phẩm nấm mốc, coi chừng "dính" ung thư gan

Tiếc của, không ít bà nội trợ vẫn có thói quen rửa sạch, phơi khô những thực phẩm đã bị ẩm mốc và tiếp tục chế biến mà không biết rằng hành động này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Cụ thể, đối với thực phẩm khô như lạc, đậu hay gạo bị mốc, đa số chúng ta chỉ chà sạch mốc, vo rửa kỹ hoặc đem phơi, sấy khô để dùng. Tuy nhiên, thói quen này được cảnh báo là vô cùng nguy hiểm.

Các biện pháp vo rửa, chà sát hay phơi sấy chỉ giúp làm sạch nấm mốc, nhưng một khi độc tố Aflatoxin từ nấm mốc đã ngấm vào thực phẩm thì cách làm này không giúp loại bỏ nguy cơ nhiễm độc. Việc trông sạch nấm mốc không đồng nghĩa thực phẩm đã hết độc.

Theo tài liệu của Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm FDA Hoa Kỳ, độc tố Aflatoxin rất bền với nhiệt. Khi đem lạc mốc rang lên, dù ở nhiệt độ rất cao, các bào tử nấm mốc bị tiêu diệt, nhưng độc tố của chúng vẫn không bị phá hủy hoàn toàn. Aflatoxin không chỉ độc vì có nhiều trong thực phẩm khô, gây nên bệnh ung thư gan mà còn độc ở sự tồn tại dai dẳng của nó. Các nghiên cứu cũng khẳng định, Aflatoxin không bị mất đi khi xử lý ở nhiệt độ nóng hay thậm chí là nhiệt độ sôi.

Như vậy đậu, lạc, gạo mốc dù được rửa sạch nấm mốc và nấu chín ở nhiệt độ cao thì ăn vào vẫn có thể gây nguy hiểm. Việc chế biến ở nhiệt độ cao chỉ giúp hạn chế một phần nào chứ không loại bỏ được hoàn toàn độc chất này.

Tiếc của dùng thực phẩm nấm mốc, coi chừng "dính" ung thư gan ảnh 1

Được biết, sử dụng thực phẩm bị nhiễm nấm mốc là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư gan.

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định, nấm mốc chính là nguyên nhân chủ yếu sản sinh chất Aflatoxin cực độc đối với sức khỏe con người. Loại độc chất này có thể gây những ảnh hưởng bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ từ thực phẩm dù với hàm lượng cực thấp. Những hội chứng ngộ độc cấp có thể nhận thấy là nôn ói, đau bụng, sưng phổi, co giật, hôn mê và tử vong do phù não, tim, gan, thận tích mỡ. 
Ngoài việc gây ngộ độc cấp tính, độc tố Aflatoxincòn là một trong những chất gây ung thư rất mạnh, đặc biệt là tác động đến gan, gây xơ gan và ung thư gan.

Đồng quan điểm, BSCK2 Trần Ngọc Lưu Phương, Trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp, Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương cũng cho biết thêm: "Nhiều bệnh nhân thắc mắc mình không hút thuốc, không uống rượu, gia đình không có tiền sử về bệnh viêm gan do vi rút, vậy tại sao có thể gây ung thư gan. Chỉ đến khi bác sĩ hỏi về việc ăn uống, bệnh nhân mới kể lại rằng do thói quen khi ở nhà có gạo bị mốc hay đồ khô bị lên men vẫn đem rửa sạch và nấu ăn bình thường mà không hề hay biết điều đó có thể gây ung thư".

Để đảm bảo an toàn sức khỏe tốt nhất nên bảo quản lương thực, thực phẩm tránh không để bị nấm mốc, nhất là trong thời tiết mưa kéo dài như hiện nay. Do đó, hãy bảo quản bằng cách giữ khô, thoáng mát, không bị các đồ nhiễm mốc lây lan tới. Vào mùa mưa, khí hậu nóng ẩm tốt nhất nên bảo quản thực phẩm khô trong hộp kín, lọ thủy tinh có nắp, hoặc cho vào túi nilon buộc kín, để nơi thoáng mát.

Theo VietQ.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.