Thúc đẩy đầu tư, phát triển y tế cơ sở làm bàn đạp cho y tế Việt Nam

GD&TĐ - Y tế cơ sở là tuyến gần dân nhất, trực tiếp thực hiện các hoạt động chăm sóc y tế cho người dân. Thời gian qua, y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế xã đã bước đầu phát huy hiệu quả.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Hoạt động này thu hút đông đảo bệnh nhân, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, giảm tải cho y tế tuyến trên.

Hiệu quả từ mô hình "Trạm y tế điểm"

Để đổi mới hoạt động của trạm y tế (TYT) từ năm 2018, Bộ Y tế đã khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố triển khai mô hình trạm y tế điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Trong đó, Hà Nội có 4 đơn vị được lựa chọn thí điểm gồm: TYT xã Minh Châu (huyện Ba Vì), TYT xã Tân Hội (huyện Đan Phượng), TYT phường Tây Mỗ (quận Bắc Từ Liêm), TYT phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông).

Minh Châu (huyện Ba Vì) là xã duy nhất của thành phố Hà Nội nằm ở bãi giữa sông Hồng, có tổng diện tích tự nhiên hơn 547ha, gồm 1.450 hộ dân với 6.645 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, việc di chuyển ra - vào xã tương đối khó khăn do phải đi phà qua sông. Theo chia sẻ của BS Lê Thị Lộc - Trạm trưởng TYT xã, từ cuối 2018, khi được lựa chọn là 1 trong 4 TYT của Hà Nội thực hiện thí điểm, TYT đã tuyển dụng thêm 1 bác sĩ y học cổ truyền, chỉnh trang lại cơ sở để đáp ứng tốt hơn nhu cầu KCB, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Tại đây, sáng thứ 5 hàng tuần là thời điểm người bệnh tập trung đến khám chữa bệnh tấp nập và đông nhất. Mỗi người một bệnh lý khác nhau nhưng hầu hết là bệnh mạn tính. Ông Nguyễn Danh S (trú tại Khu 7, xã Minh Châu) - bệnh nhân "quen thuộc" của TYT xã cho biết: "Tháng nào tôi cũng lên TYT xã lấy thuốc và kiểm tra định kỳ bệnh huyết áp cao. Vợ tôi ngày nào cũng ra TYT châm cứu để điều trị tê tay chân và vôi hóa cột sống. Nhờ có TYT mà sức khỏe vợ chồng tôi đã tốt lên từng ngày".

Tương tự, tại TYT xã Tân Hội (huyện Đan Phượng), từ khi TYT hoạt động theo phương thức mới đã được sự tin tưởng cao của bệnh nhân. "Trừ bệnh nặng, cấp cứu… tôi mới lên tuyến trên. Còn lại các bệnh mạn tính, vấn đề sức khỏe thông thường, gia đình tôi đều khám ở đây. Thậm chí con dâu tôi mang bầu cũng khám, theo dõi và sinh tại TYT xã” - một người dân xã Tân Hội cho biết.

Cũng chính nhờ sự đổi thay của y tế cơ sở, tỷ lệ lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân trên địa bàn xã Tân Hội đến nay đã đạt trên 97%; Tỷ lệ tham gia BHYT đạt 91%; 375 bệnh nhân tăng huyết áp (THA), 109 bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) được quản lý và điều trị tại trạm. Bình quân khoảng 50-60 lượt bệnh nhân đến khám mỗi ngày, tăng hơn 2 lần so với khi chưa triển khai TYT điểm.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Tiếp tục đổi mưới toàn diện, căn bản y tế cơ sở

Nhận định về vai trò của y tế cơ sở, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Y tế cơ sở là bàn đạp quan trọng của nền y tế Việt Nam. Thời gian qua, mặc dù ngành Y tế đã quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở, nhưng thực tế phản ánh vẫn chưa được như mong muốn. Vì thế, tới đây, sẽ thay đổi toàn diện, căn bản, cả về phương thức hoạt động, đổi mới cơ chế tài chính lẫn phương thức chi trả, nhằm nâng cao chất lượng cũng như vị thế và ảnh hưởng của y tế cơ sở. Làm thế nào để người dân được hưởng thụ các dịch vụ y tế tốt nhất của tuyến trên ngay tại cơ sở.

Về phương hướng, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm: Bộ Y tế đang triển khai mạnh kết nối trên toàn tuyến, tuyến tỉnh, huyện, xã theo đội hình 1-4-4-2, kết nối qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Phương thức kết nối hệ thống sẽ là 1 thầy thuốc Trung ương hỗ trợ được ít nhất 4 thầy thuốc tuyến tỉnh, 4 thầy thuốc tuyến huyện và 2 thầy thuốc tuyến xã.

Bên cạnh đó sẽ đổi mới nhân lực, phương thức tài chính, phương thức chi trả nhằm nâng cao chất lượng y tế cơ sở; Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm y tế cơ sở; Hỗ trợ cải thiện các dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nâng cao sức khoẻ, khám chữa bệnh ban đầu; Ưu tiên các đối tượng là bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, người dân ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số góp phần bảo đảo sức khoẻ, nâng cao tuổi thọ, cải thiện chất lượng sống cho người dân.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế của mạng lưới y tế cơ sở tại 13 tỉnh, Bộ Y tế cũng sẽ đầu tư, hỗ trợ cải thiện các dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nâng cao sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu; ưu tiên các đối tượng là bà mẹ trẻ em, người cao tuổi, người dân ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao tuổi thọ, và cải thiện chất lượng sống của người dân.

Cụ thể: Đầu tư cơ sở vật chất, bao gồm xây mới 138 trạm y tế xã và cải tạo nâng cấp 325 trạm y tế, cải tạo nâng cấp 12 trung tâm y tế huyện thuộc 13 tỉnh dự án; cung cấp trang thiết bị cần thiết cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về các nội dung: truyền thông giáo dục sức khỏe; bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu; phòng, chống bệnh, dịch; Kiểm tra, phát hiện sớm, quản lý một số bệnh không lây nhiễm; khám chữa bệnh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ