Test nhanh, test chậm với Covid-19

GD&TĐ - Chữ “test” ngày càng trở nên quen thuộc đối với nhiều người. Đây là một thuật ngữ tiếng Anh, trong y học, nghĩa phổ biến là xét nghiệm.

Kiểm tra thân nhiệt để xác minh người nghi nhiễm SARS-CoV-2.
Kiểm tra thân nhiệt để xác minh người nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Thời gian gần đây cụm từ “test Covid” hay “xét nghiệm Covid” được đề cập đến rất nhiều và thậm chí trở thành câu cửa miệng của một số người.

Test nhanh cho kết quả sớm, thời gian được tính bằng phút. Test chậm cho kết quả muộn hơn và thời gian được tính bằng giờ. Với Covid-19, test nhanh hay test chậm mang ý nghĩa khác biệt...

Tác nhân gây bệnh và cơ chế miễn dịch

Việc nhận diện tác nhân gây bệnh là vi sinh vật có thể được tiến hành theo một trong hai cách là nhận diện trực tiếp thông qua kháng nguyên và nhận diện gián tiếp thông qua kháng thể.

- Kháng nguyên (antigen): Là một chất lạ như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng... xâm nhập vào cơ thể thì bị hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận diện và sản sinh ra các chất chống lại kháng nguyên đó. Chất có vai trò triệt tiêu kháng nguyên gọi là kháng thể. Bản chất kháng nguyên thật ra là các protein, lipid và glucid.

- Kháng thể (antibody): Là các chất được sản xuất ra nhờ hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận diện sự xâm nhập của chất lạ là kháng nguyên. Kháng thể được tạo ra nhằm thanh toán sự hiện diện của kháng nguyên với mục đích bảo vệ sự bình yên cho cơ thể. Bản chất kháng thể là các Immunoglobulin có tên gọi là IgA, IgD, IgE, IgG và IgM.

Cá thể nào mà hệ thống tế bào phòng bệnh có khả năng nhận diện nhanh kháng nguyên và sản xuất kháng thể nhanh và mạnh thì khả năng miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh càng cao. Vì vậy, cá thể đó khó mắc bệnh hoặc nếu có mắc thì các biểu hiện bệnh cũng nhẹ hơn những cá thể khác.

Một người có hệ thống miễn dịch tốt, thông thường chỉ sau 1 tuần nhiễm virus thì cơ thể sản xuất ra kháng thể đủ sức loại trừ hết kháng nguyên là virus xâm nhập gây bệnh đó. Điều đặc biệt là, thông tin về kháng thể sinh ra sẽ được lưu giữ trong “ký ức của các tế bào”. Lần sau, nếu loại virus đó lại xâm nhập thì cơ thể ngay lập tức chống lại mà không cần thời gian chờ đợi.

Test nhanh Covid-19

Thời gian cho kết quả ngắn, chỉ khoảng 15 - 20 phút kể từ khi lấy mẫu máu thực hiện xét nghiệm.

Test nhanh Covid-19 có ý nghĩa phát hiện kháng thể kháng virus trong máu của đối tượng làm xét nghiệm. Qua đó, xác định một người có đang bị nhiễm hoặc trước đó đã bị phơi nhiễm với SARS-CoV-2 hay không.

Tuy nhiên, nếu test nhanh này làm quá sớm, cơ thể chưa kịp sản xuất ra kháng thể thì test cho kết quả âm tính. Tuy kết quả âm tính nhưng người đó vẫn đang nhiễm virus gây bệnh. Trái lại, nếu test nhanh này làm đúng thời điểm và cho kết quả dương tính thì cũng không đủ để khắng định là người làm xét nghiệm đang nhiễm SARS-CoV-2, vì có thể họ bị phơi nhiễm trước đó và đã khỏi.

Kháng thể còn lại trên người chỉ là dư âm mà thôi. Cần phải làm thêm một xét nghiệm khác là xét nghiệm RT-PCR/ Real-time PCR (Real Time - Polymerase Chain Reaction) để xác định virus có đang hiện diện trên cơ thể họ hay không.

Test nhanh tìm kháng nguyên

RDT (Rapid diagnostic test) là test nhanh tìm kháng nguyên SARS-CoV-2 trong dịch tiết đường hô hấp. Thời gian cho kết quả ngắn, chỉ khoảng 15-30 phút. Phương pháp này đơn giản, dễ thực hiện và cũng rẻ tiền hơn xét nghiệm RT-PCR.

Kỹ thuật RDT phát hiện trực tiếp tác nhân gây bệnh qua việc xác định protein đặc hiệu của virus - tức xác định sự hiện diện của kháng nguyên. Tuy nhiên, loại test nhanh tìm kháng nguyên này không có nhạy đặc hiệu như xét nghiệm RT-PCR. Do đo, không trở thành “tiêu chuẩn vàng” để xác định một người có đang mắc bệnh Covid-19 hay không.

Test nhanh và RT-PCR tìm kháng nguyên SARS-CoV-2 là hai phương pháp hiện được áp dụng phổ biến trên thế giới. Mỗi phương pháp đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Do đó, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, giai đoạn và diễn biến bệnh mà có sự chỉ định phù hợp hoặc làm riêng lẻ, hoặc kết hợp cả 2 phương pháp xét nghiệm.

Xét nghiệm RT-PCR hay test chậm Covid-19

Xét nghiệm RT-PCR để tìm kháng nguyên SARS-CoV-2.

Xét nghiệm RT-PCR để tìm kháng nguyên SARS-CoV-2.

Nói... chậm là vì thời gian cho kết quả sau 4 - 6 giờ so với test nhanh (15- 20 phút). Đây chính là test RT-PCR hiện đang được thực hiện phổ biến trong công tác phòng chống dịch tại các tỉnh thành trong cả nước vì tính đặc hiệu cao của xét nghiệm.

Khác với test nhanh Covid-19 phát hiện kháng thể chống lại virus Sars-CoV-2, xét nghiệm RT-PCR là xét nghiệm tìm kháng nguyên. Nghĩa là xác định sự hiện diện trực tiếp của virus trên cơ thể người bệnh tại ngay thời điểm làm xét nghiệm.

Phương pháp xét nghiệm này được phát triển nhờ việc giải mã và biết rõ cấu trúc bộ gien của SARS-CoV-2. Cho đến thời điểm này, xét nghiệm RT-PCR là kỹ thuật duy nhất khắng định một cách chính xác sự tồn tại của virus trên đối tượng được xét nghiệm.

Nguyên lý của xét nghiệm RT-PCR là tìm ra đoạn gien RNA của SARS-CoV-2 trong mẫu nghiệm dịch ngoáy vùng mũi họng, dịch rửa phế quản hoặc nước bọt (nước miếng).

Phương pháp xét nghiệm RT-PCR là kỹ thuật nhân bản những đoạn RNA đặc hiệu của SARS-CoV-2 trong ống nghiệm dựa vào các chu kỳ nhiệt. Kỹ thuật nhân bản này thay thế cho kỹ thuật “kinh điển” của xét nghiệm xác định mầm bệnh vi sinh vật qua việc nuôi cấy tốn nhiều công sức và thời gian hơn.

Xét nghiệm RT-PCR có tính đặc hiệu cao hơn test nhanh tìm kháng nguyên SARS-CoV-2. Với độ nhạy 99% và độ đặc hiệu 100%, xét nghiệm RT-PCR là “tiêu chuẩn vàng” để xác định người nhiễm SARS-CoV-2 cho đến thời điểm này.

Xét nghiệm này xác định được virus ngay ngày đầu có biểu hiện bệnh và nhậy nhất trong tuần đầu tiên. Rồi giảm dần, đến sau tuần thứ ba thì gần như không thể phát hiện được. Hãn hữu có trường hợp xét nghiệm virus dương tính đến tuần thứ 6 kể từ khi xét nghiệm lần đầu dương tính.

Về kết quả dương tính và âm tính giả: Xét nghiệm RT-PCR không cho kết quả dương tính giả - nghĩa là tuy xét nghiệm dương tính, nhưng thật ra người làm xét nghiệm không có bệnh.

Kết quả âm tính giả, tức là xét nghiệm âm tính nhưng người làm xét nghiệm vẫn đang mắc bệnh. Điều này xảy ra thường do các thiếu sót về kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản mẫu hoặc thời gian lấy mẫu không phù hợp với diễn tiến của bệnh.

Các đối tượng cần “tiêu chẩn vàng”

Tất cả những người có biểu hiện nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, bao gồm người có triệu chứng bệnh lý đường hô hấp với các biểu hiện sốt, ho, đau họng, hắt hơi, chảy mũi nước, tự nhiên mất mùi, mất vị; những người tiếp xúc gần với người mắc bệnh Covid-19; những người đi về từ các vùng dịch tễ (vùng đang có dịch).

Xét nghiệm RT-PCR tìm kháng nguyên với độ nhạy và độ đặc hiệu cao có thể phát hiện ra virus ngay sau khi xâm nhập. Trong khi đó, xét nghiệm tìm kháng thể cần có thời gian để cơ thể người nhiễm bệnh tạo ra. Vì vậy, những người dù được test nhanh kháng thể âm tính cũng không loại trừ được người đó nhiễm bệnh hay không.

Đó là lý do tại sao một người dù có test nhanh kháng thể âm tính (và kể cả test nhanh kháng nguyên âm tính) vẫn cần đến 14 ngày cách ly theo dõi và làm thêm xét nghiệm RT-PCR xác định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ