Tâm sự “đắng ngắt” của nữ bác sĩ viện K khi mẹ Hà thành “tước” cơ hội sống của con chỉ sau một đêm suy nghĩ

Mới đây, Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Thị Việt Hương, (Khoa Nhi, Bệnh viện K3) tiếp nhận một bệnh nhi 12 tháng tuổi ở nội thành Hà Nội có khối u nguyên bào thần kinh giai đoạn sớm. Bé có triển vọng điều trị rất thuận lợi nhưng chỉ sau một đêm, bố mẹ bé đã từ chối cơ hội điều trị dù bác sĩ Hương ra sức thuyết phục.

Tâm sự “đắng ngắt” của nữ bác sĩ viện K khi mẹ Hà thành “tước” cơ hội sống của con chỉ sau một đêm suy nghĩ

Câu trả lời khiến bác sĩ ngỡ ngàng

Từng gặp không ít trường hợp người nhà từ chối điều trị, cho bệnh nhi ung thư về uống thuốc nam và nhiều lần cảnh báo nhưng đây là một ca bệnh mới đây khiến bác sĩ Phạm Thị Việt Hương, Khoa Nhi, Bệnh viện K3 vô cùng trăn trở, tiếc nuối.

Cháu bé 12 tháng tuổi phát hiện một khối u sau phúc mạc kích thước 57 x 93 mm, chưa xâm lấn, chưa di căn tủy, chưa di căn xương, chưa hề có hạch ổ bụng, chưa di căn tạng, chưa có dấu hiệu đe dọa. Các xét nghiệm sinh hóa, giải phẫu bệnh và di truyền đều thể hiện thuận lợi.

Bác sĩ Việt Hương đã tư vấn rất kỹ và tận tình, người mẹ mang con và phim đến hội chẩn với PGS Trần Ngọc Sơn, một chuyên gia về nhi khoa và ngoại nhi.

Tâm sự “đắng ngắt” của nữ bác sĩ viện K khi mẹ Hà thành “tước” cơ hội sống của con chỉ sau một đêm suy nghĩ

Bác sĩ Phạm Thị Việt Hương, Khoa Nhi, Bệnh viện K3. 

Người mẹ cũng được biết, về kỹ thuật mổ PGS. Trần Ngọc Sơn vẫn có thể mổ được và họ cần truyền hóa chất trước để thu nhỏ bớt u thì cuộc mổ đỡ vất vả cho cháu bé.

Bác sĩ Hương động viên người mẹ rằng hiếm khi chị gặp được cháu bé u nguyên bào thần kinh giai đoạn sớm, tiên lượng tốt như thế. Sau khi nghe bác sĩ phân tích, bố mẹ cháu bé nói sẽ quyết tâm điều trị và hoàn toàn tin tưởng y học.

“Vậy mà sau một đêm, người mẹ nói ông bà nội bé không muốn cho bé truyền hóa chất. Tôi tiếp tục phân tích để mẹ cháu bé hiểu hóa chất theo phác đồ không gây độc tính quá mức chịu đựng. Nơi đây còn có những em nhỏ bé hơn vẫn chiến đấu ngoan cường. Dù là  mẹ nhưng không có nghĩa được phép tước đoạt quyền được y tế chăm sóc của con.

Vậy mà chờ em hơn 10 ngày, bố mẹ bé mất hút thông tin. Tôi nóng ruột gọi điện cho bố bé, bố nói để mẹ bé trả lời. Thật buồn khi em trả lời rằng gia đình cho bé đi chữa thuốc nam.

Đã dằn lòng bao nhiêu lần là buông bớt thì sẽ đỡ day dứt. Nhưng buông đâu có dễ. Bé giai đoạn sớm, tiên lượng tốt, có cơ hội sống rất cao, bảo hiểm dưới 6 tuổi không mất đồng tiền nào, nhà ngay Linh Đàm, cách bệnh viện chỉ 4-5 Km chứ không phải miền núi xa xôi hẻo lánh...Toàn là những yếu tố thuận lợi vậy mà bố mẹ cháu nỡ đánh mất cơ hội sống, tương lai xán lạn của con”, Bác sĩ Việt Hương bức xúc bày tỏ.

Vẫn chờ ngày bố mẹ bệnh nhi suy nghĩ lại

Bác sĩ Việt Hương đã từng gặp trường hợp bệnh nhi 4 tuổi, quê gần Hà Nội bị u nguyên bào thần kinh. Lúc cháu tới bệnh viện Nhi TW, kích thước khối u chỉ 8 cm. Dù đã có chuẩn đoán, phác đồ điều trị nhưng bà nội cháu nhất quyết cho cháu về, đi bốc thuốc của một thầy lang ở Hà Giang.

Sau 2 tháng, u to đến nỗi chiếm hết ổ bụng, cháu suy kiệt chỉ còn da bọc xương, không thở nổi, gia đình mới đưa cháu sang bệnh viện K3 cầu cứu các bác sĩ.

Bà nội cháu phân trần: "Chỉ vì nghĩ truyền hóa chất sẽ đau đớn nên gia đình mới cho cháu đi chữa thuốc nam".

Tâm sự “đắng ngắt” của nữ bác sĩ viện K khi mẹ Hà thành “tước” cơ hội sống của con chỉ sau một đêm suy nghĩ

Niềm vui của bác sĩ Việt Hương là bệnh nhi được điều trị đầy đủ theo phác đồ và nụ cười trở lại trên môi các bé. 

"Với trường hợp bệnh nhi 4 tuổi này, giá như được điều trị đúng phác đồ ngay từ đầu, biết đâu tương lai của cháu có thể đi xa hơn? Có những cháu đến đây bác sĩ biết là cháu sẽ mất mà vẫn cố gắng cứu sống theo ngày theo tháng.

Vậy mà trường hợp bệnh nhi 12 tháng tuổi có đầy đủ cơ hội điều trị, người lớn, gia đình của cháu lại buông tay thì thật đáng giận, đáng tiếc!

Tôi thực sự rất tiếc vì có chuyên môn, nhìn thấy cơ hội sống của cháu, chỉ cần một bước chân là đến bệnh viện mà bố mẹ từ chối điều trị. Nếu không điều trị bài bản, chẳng bao lâu sau u to nữa, di căn lan tràn thì việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn.

Mong cha mẹ cháu đọc được, hiểu và hãy tự hỏi những câu hỏi. Thuốc nam chân chính có chỉ định trong bệnh này không? Ông lang đó có được đào tạo về y thuật, cả y học hiện đại lẫn y học cổ truyền không? Nguồn gốc xuất xứ của những cây lá đó từ đâu? Thành phần trong cây lá đó là gì? Họ sẽ đưa thuốc vào đường nào để diệt được khối u gần 10 cm? Họ hành nghề có được cấp phép và đánh giá hiệu quả không? Thực tế thuốc nam chân chính cũng không có chỉ định cho bệnh u nguyên bào thần kinh. Chưa kể thuốc nam rởm, ngâm tẩm, uống vào oan uổng cho cháu bé.

Quá day dứt trước cơ hội sống của cháu bé 12 tháng tuổi nên hiện tôi chưa trả hồ sơ vào kho, vẫn chờ đợi bố mẹ cháu suy nghĩ lại.

Hầu hết các ung thư trẻ em đều nhạy cảm với hóa trị, xạ trị. Trong đó có những bệnh ung thư ở trẻ em được coi là chữa khỏi nếu đến bệnh viện sớm và được điều trị đúng.

Các phương tiện chẩn đoán, điều trị cập nhật ung thư cho trẻ hầu như là đều sẵn có ở Việt Nam.

Cha mẹ hãy đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế chuyên sâu có chuyên môn về ung thư trẻ em để cứu sống được con. Đừng để bất kỳ một đứa trẻ nào phải ra đi chỉ vì sự thiếu hiểu biết của cha mẹ!”, Bác sĩ Việt Hương hy vọng.

Theo Emdep.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ