Tai biến sản khoa: Khó lường với cả bác sĩ

GD&TĐ - Trong cơ sở y tế, bác sĩ sản khoa là người may mắn nhất bởi họ luôn đem niềm vui tới cho các gia đình. Nhưng với họ, đây cũng là áp lực bởi tai biến trong sản khoa luôn đến bất ngờ, diễn biến nhanh và khó lường nên tại cơ sở y tế hiện đại, bác sĩ tay nghề vững đôi khi còn không ứng phó kịp huống hồ đẻ tại nhà hay nhờ đến… thầy lang.

Tai biến sản khoa: Khó lường với cả bác sĩ

Thêm một người tử vong do… lang vườn

Những ngày qua, những thông tin về sản phụ tử vong do tin thầy lang hơn thầy thuốc liên tục được cập nhật khiến nhiều người xót xa nhưng cũng giật mình về lỗ hổng kiến thức, sự hiểu biết của một bộ phận người dân.

Liên quan đến trường hợp tử vong của thai phụ V.T.K (Quỳ Châu, Nghệ An) sau khi được thầy lang phá thai, Sở Y tế tỉnh Nghệ An đã thu nhận được thông tin ban đầu. Theo đó, sản phụ V.T.K mang thai lần 3, do hoàn cảnh khó khăn nên không muốn đẻ thêm. Sản phụ đã đến nhờ bà Định Thị Th, người cùng xã phá thai giúp. Bà Th tiến hành phá thai cho chị V.T.K bằng cách đặt dụng cụ thông tiểu vào tử cung nhưng không bơm nước, không bơm hơi mà chỉ cho sản phụ uống nước lá rau ngót. Sau khi phá thai, sức khỏe sản phụ yếu dần rồi tử vong.

Qua xác minh, bà Th không có bằng cấp hoặc chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, không có kiến thức về sản phụ khoa. Mặc dù bà Th và gia đình đã bồi thường cho gia đình sản phụ. Tuy nhiên, do bà Th hành nghề trái quy định nên Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu đã tham mưu cho UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính, với mức 50 - 70 triệu đồng.

Nhận thấy đây là vụ việc nghiêm trọng, hành vi phá thai gây nguy hiểm cho người khác, Bộ Y tế đã có công văn khẩn đề nghị Sở Y tế Nghệ An giao đơn vị chức năng xác minh thông tin, gửi kết quả về Bộ. Đại diện Bộ Y tế, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em Đinh Anh Tuấn nhận định: Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em đã chỉ đạo ngành y tế Nghệ An tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp dịch vụ sản phụ khoa, kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn; Kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm các quy định hiện hành về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân gây hậu quả nghiêm trọng nếu có theo quy định của pháp luật.

Tăng cường đảm bảo an toàn cho bà mẹ, trẻ sơ sinh

Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề nghị toàn bộ hệ thống y tế tại địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không đến nhận dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc thai sản, kế hoạch hóa gia đình và phá thai, tại các cơ sở bất hợp pháp vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Mặc dù sinh đẻ là việc của cá nhân mỗi người nhưng để đảm bảo an toàn, ngành y tế luôn khuyến cáo người dân đến cơ sở y tế để được theo dõi, chăm sóc cũng như phát hiện và xử lý tai biến có thể xảy ra. Tuy nhiên, với sự phát triển của mạng xã hội, ngày nay, không chỉ phụ nữ vùng thôn quê thiếu kiến thức mà ngay phụ nữ đô thị lớn, có trình độ nhưng vẫn tin vào phương pháp sinh đẻ không phổ biến và phản khoa học.

Để đảm bảo an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý thai, chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ, chăm sóc sau sinh cho người dân tại địa phương, hạn chế tối đa tình trạng đẻ tại nhà, tự đỡ đẻ đồng thời vận động người dân khám thai, sinh đẻ tại cơ sở y tế.

Ngành y tế các địa phương cũng cần kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định hiện hành trong hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe cho nhân dân của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là truyền bá sinh đẻ tại nhà theo phương pháp thuận tự nhiên. Ngăn chặn và xử lý nghiêm với hành vi truyền bá phương pháp sinh đẻ phản khoa học, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của trẻ sơ sinh và sản phụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ