Sốt dịch vụ cho thuê robot tâm sự với người cao tuổi cô đơn

Chính quyền TP Saijo - Nhật Bản triển khai dịch vụ cho thuê robot tâm sự với người cao tuổi sống một mình và nhận được phản ứng tích cực ngoài mong đợi nhưng chi phí sở hữu chúng không hề rẻ.

Robot tâm sự với người cao tuổi cô đơn.
Robot tâm sự với người cao tuổi cô đơn.

Bà Setsuko Saeki, 87 tuổi, đã sống với một con robot trong một năm qua trong ngôi nhà ở TP Saijo, tỉnh Ehime, miền Tây Nhật Bản. 3 người con của bà đã chuyển đi nơi khác và chồng bà qua đời 6 năm trước.

Kể từ đó, bà Saeki sống một mình. Những điều dưỡng đã đến thăm bà hàng ngày và bà cũng tham dự các buổi họp mặt làm thơ Haiku. Tuy nhiên, bà vẫn cảm thấy cô đơn khó tả.

Vào tháng 7 năm ngoái, chính quyền thành phố bắt đầu dự án cho thuê robot PaPeRo i miễn phí cho 10 người cao tuổi, những người không có người thân sống cùng, trong 3 tháng.

Con trai cả của bà Saeki, sống ở tỉnh Chiba, đã biết về dự án trên trang web của chính quyền thành phố và đăng ký cho mẹ mình.

Trước khi bà đi ngủ, robot hỏi: "Bà đã khóa cửa nhà chưa?". Thỉnh thoảng, robot tạo ra những trò chơi ngẫu hứng và kể những câu chuyện ngắn cho bà nghe. 3 lần mỗi ngày, robot đề nghị chụp ảnh của bà sau đó chuyển chúng đến điện thoại hoặc máy tính cá nhân của con trai bà.

Ngược lại, con trai bà cũng gửi những bức ảnh đến một thiết bị kết nối với robot của mẹ mình. Các bức ảnh cũng được chuyển đến một người phụ trách chăm sóc sức khỏe bà Saeki.

Bà Saeki cũng có thể trao đổi tin nhắn thoại với con trai lớn của mình và gia đình anh thông qua robot. Khoảng 90% người sử dụng robot có phản hồi tích cực và khoảng 90% gia đình của những người dùng robot cũng khen ngợi dự án khi cho rằng nó giúp giảm sự lo lắng của họ.

Sau đó, chính quyền thành phố đã chuyển dự án thành dịch vụ cho thuê trả phí. Phí thuê là 22.530 yen (khoảng 5 triệu đồng) đối với hình thức trả góp và 6.000 yen/tháng cho các tính năng viễn thông và cần thiết khác, chưa bao gồm thuế tiêu thụ.

Trong một cuộc khảo sát của Bộ Nội vụ và Truyền thông năm 2015, 40% số người được hỏi ở độ tuổi 20 trở xuống cho biết họ muốn sử dụng hoặc có thể cân nhắc sử dụng robot giao tiếp. Trong khi đó, tỉ lệ này ở độ tuổi 50 là 51% và ở những người từ 60 tuổi trở lên là 55%.

Tính năng chính của robot giao tiếp là chúng hiểu lời nói của con người, nhận diện khuôn mặt, trò chuyện với người dùng và thực hiện các cử chỉ khiến họ cảm thấy thân thuộc. Những robot như vậy được cho là có giá từ 100.000 yen đến 300.000 yen.

Một cuộc thăm dò năm 2017 của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho thấy hơn 10% số người được hỏi – những người này sống một mình từ tuổi 55 trở lên - cho biết họ nói chuyện với các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè một hoặc hai lần một tháng hoặc hiếm khi.

GS Hiroshi Ishiguro thuộc Trường ĐH Osaka cho biết: "Robot có thể thực hiện mong muốn trò chuyện với ai đó và khiến người dùng cảm thấy gần gũi, ấm áp với việc giao tiếp bằng mắt, chuyển động và lời nói của chúng. Robot có thể trở nên phổ biến như điện thoại thông minh nếu giá cả giảm xuống".

Theo nld.com.vn/Yomiuri Shimbun

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba

Kiev khẳng định không có Kế hoạch B

GD&TĐ - Ngoại trưởng Ukraine cho biết, Kiev không có kế hoạch B cho cuộc xung đột với Nga nếu Quốc hội Mỹ từ chối phê duyệt thêm viện trợ quân sự cho nước này.
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…