Sống hữu cơ ở thành thị

GD&TĐ - Những báo động về an toàn thực phẩm, cũng như tác hại môi trường từ việc sản xuất quá mức đang khiến Trái đất của chúng ta dần kém an toàn, sức khỏe của con người ngày một suy giảm. 

Sống hữu cơ ở thành thị

Muốn được sống trọn vòng đời của mình khỏe mạnh và sửa chữa lỗi lầm để Trái đất giữ được sức sống và là ngôi nhà trú ngụ bền vững cho con cháu chúng ta, mỗi người đều cần chung tay hành động.

Ngay cả khi đang sống ở thành thị, ta cũng có thể ăn uống như một tá điền với những thực phẩm hữu cơ, và tiêu dùng thông thái để giảm thải ra môi trường.

Thực phẩm hữu cơ an toàn hơn cho sức khỏe của chúng ta bởi giúp cơ thể hấp thụ được nhiều chất bổ dưỡng hơn. Thực phẩm hữu cơ là những nông sản được sản xuất theo quy trình tự nhiên, không sử dụng thuốc trừ sâu và hóa chất độc hại, có sử dụng vật liệu tái chế và tiết kiệm năng lượng. Tỷ lệ hợp chất chống oxy hóa trong rau củ quả hữu cơ nhiều hơn 40% so với thực phẩm thường. Thực phẩm hữu cơ cũng chứa hàm lượng khoáng chất có lợi cho sức khỏe (sắt, kẽm...) cao hơn.

Giảm lượng chất hóa học độc hại làm hư hại nguồn đất và nước. Bạn có thể mua thịt, rau củ hữu cơ ở các chợ địa phương hoặc cửa hàng, siêu thị. Bên cạnh đó, có một cách khá thú vị là bạn tự tạo nguồn thực phẩm hữu cơ như trồng rau, chăn nuôi tại nhà hoặc trang trại riêng. Việc này vừa vui, thư giãn lại tiết kiệm và kiểm soát được chất lượng, an toàn nguồn thực phẩm.

Một trong những cách để bạn tham gia được tích cực vào hành động bảo vệ môi trường, đó là sử dụng vừa đủ thực phẩm, không để dư thừa bất cứ chút thực phẩm nào. Như vậy, lợi ích kép nữa mà bạn thu được là bạn có thể tiết kiệm tiền mua thực phẩm, giảm lượng rác thải thực phẩm, giảm dư thừa trong sản xuất thực phẩm.

Trên thế giới hiện nay có khoảng 7 tỷ người và sản xuất ra được khoảng 4,4 tỷ tấn đồ ăn mỗi năm. Trong khi đó, hơn 1 tỷ người dân thiếu ăn hàng ngày, song song với việc con người vứt đi hoặc không sử dụng tới 1,3 tỷ tấn thức ăn.

Hãy tận dụng đồ ăn thừa ở nhà. Nên bảo quản đồ ăn còn dư bằng tủ lạnh đối với đồ ăn đã nấu chín mà chưa ăn tới trong vòng 2 tiếng. Bảo quản đồ ăn còn dư trong các hộp nhỏ có nắp kín. Không nên trữ đồ ăn quá 4 ngày. Khi tới nhà hàng, nếu thức ăn trên bàn tiệc còn thừa, bạn nên yêu cầu được gói mang về nhà.

Nước là thứ tài nguyên không phải vô biên, trong thực tế, chỉ khoảng 2% tổng lượng nước trên thế giới là nước ngọt, có thể uống được hoặc xử lý để thành nước uống được. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn tài nguyên nước từ bên ngoài vì 63% lượng nước của chúng ta là từ các nước láng giếng chảy về.

Ước tính, 25% tổng lượng nước trong các hộ gia đình dùng để xả nhà vệ sinh và hoàn toàn có thể tận dụng nước mưa để dùng cho mục đích này để tiết kiệm nguồn tài nguyên nước và giảm thiểu tiêu tốn năng lượng cho quá trình xử lý nước và mỗi gia đình cũng tiết kiệm được một khoản tiền tiêu thụ nước hàng tháng.

Tận dụng nước mưa là góp phần giảm nguy cơ ngập lụt do nước mưa đã được tích trữ cho mục đích sử dụng sinh hoạt, không chảy vào các hệ thống thoát nước.

Trong gia đình, hãy sử dụng các chất tẩy rửa tự nhiên. Bạn có thể tự làm chất tẩy rửa tự nhiên từ hỗn hợp chanh, muối, dấm, bột nổi (baking-soda) và dầu dừa. Dung dịch này có thể dùng để lau sạch các vết bẩn trên mọi bền mặt trong nhà bếp và nhà tắm hoặc dùng làm nước xả làm mềm vải. Hoặc nếu không tự chế, thì cũng chọn mua các chế phẩm sinh học để tẩy rửa. Các chất làm sạch, tẩy rửa tự nhiên được làm từ nguyên liệu dễ kiếm và có giá thành rẻ, giúp giảm chất độc gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn đất và nguồn nước, giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, hô hấp, dị ứng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.