Sai lầm nghiêm trọng của nhiều người "điếc không sợ súng" khi bù nước khiến não gặp nguy hiểm

GD&TĐ - Lo con nôn trớ, từ chối uống Oresol khi bị sốt, tiêu chảy, không ít mẹ đã pha dung dịch bù nước thật đặc, không đúng tỉ lệ nước để bù được nhiều nước hơn.

Sai lầm nghiêm trọng của nhiều người "điếc không sợ súng" khi bù nước khiến não gặp nguy hiểm

Chỉ vì nỗi lo nôn trớ…

Mấy ngày nay, chị Dương Thu Trang (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) luôn đi làm trong tình trạng thấp thỏm. Bởi bé Bin, 1 tuổi, con trai chị bỗng dưng sốt cao trên 39°C.

Ngoài việc bị sốt, bé Bin không có thêm các triệu chứng bệnh khác, vẫn ăn ngủ, vui chơi bình thường nên chị yên tâm phần nào. Bên cạnh việc hạ sốt cho con, chị Trang còn thực hiện bù bước bằng nhiều cách khác nhau như chịu khó cho con bú, ăn cháo loãng và uống dung dịch Oresol.

Điều chị lo lắng nhất là bé Bin rất khó uống Oresol. Bé hay bị nôn, trớ sau khi uống dung dịch bù nước. Mặc dù chị Trang đã đổi sang Oresol vị cam nhưng bé vẫn nhất định từ chối uống. Nếu mẹ ép, bé sẽ nôn sạch những gì vừa ăn.

Mẹ “sáng tạo” pha dung dịch bù nước THẬT ĐẶC, chẳng khác nào bắt con uống một CỐC NƯỚC MUỐI vào bụng

Ép con uống dung dịch Oresol rất khó nên mẹ đã "sáng tạo" ra nhiều cách.

Bởi việc ép con uống hết 200ml dung dịch bù nước gần như “bất khả thi” nên chị Trang đã giảm bớt lượng nước pha Oresol xuống còn một phần ba, thậm chí phần tư so với hướng dẫn sử dụng.

Không ít gia đình đã “sáng tạo” ra nhiều cách pha Oresol như pha thật đặc để giảm bớt lượng dung dịch cần phải uống, ngược lại pha thật loãng để giảm bớt mùi vị khó chịu, hoặc pha lượng nước một cách tùy hứng.

Ngoài ra, nhiều người còn chia nhỏ gói Oresol pha uống thành nhiều lần, tự nhẩm tính lượng nước tương đương cần pha. Thậm chí, để giúp con uống dễ dàng hơn, đã có không ít mẹ tự ý thay thế thuốc Oresol bằng ống bù nước (một dạng thực phẩm chức năng) đang bán tràn lan tại các hiệu thuốc.

Teo tế bào não, nguy kịch tính mạng trẻ

Theo bác sĩ Nguyễn Phương Thanh (Giảng viên Bộ môn Dược lý, Trường Đại học Y Hà Nội), Oresol với thành phần là muối, đường… khi được pha đúng, uống đúng sẽ bù lại lượng nước đã mất giúp trẻ phục hồi. Tuy nhiên, việc tự ý uống Oresol bù nước điện giải sẽ trở thành hiểm họa cho sức khỏe của trẻ em và cả người lớn.

“Nếu Oresol được pha đặc hơn so với khuyến cáo, trẻ uống không khác gì uống một cốc nước muối. Hàm lượng muối trong máu tăng lên, gây áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường, “hút” nước từ tế bào ra khoảng kẽ khiến tế bào bị mất nước và “teo” lại”, Bác sĩ Phương Thanh phân tích.

Trẻ sốt cao, tiêu chảy đã vốn mất nước, nay tế bào lại bị “teo”. Lúc này, trẻ sẽ có biểu hiện da nhăn, khô, mắt trũng. “Điều nguy hiểm nhất là tế bào não bị “teo”, gây tổn thương não khiến trẻ bị co giật, sốt cao, vật vã, kích thích nặng hơn nữa thì hôn mê,... Nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ rất dễ bị tử vong”, bác sĩ Thanh cảnh báo.

Theo quan điểm của bác sĩ Phương Thanh, khi trẻ bị sốt cao, tiêu chảy, tốt nhất cha mẹ không được chủ quan với việc bù nước cho trẻ, một việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại ẩn chứa mối họa cho sức khỏe của trẻ.

Mẹ “sáng tạo” pha dung dịch bù nước THẬT ĐẶC, chẳng khác nào bắt con uống một CỐC NƯỚC MUỐI vào bụng

Cha mẹ chớ chủ quan việc bù nước khi trẻ bị sốt, tiêu chảy.

Điều đầu tiên bác sĩ Phương Thanh khuyến cáo là cha mẹ hãy mua Oresol đúng theo đơn của bác sĩ, thay vì nghe theo lời tư vấn thay thế thuốc của người bán.

Bên cạnh đó, việc đọc kỹ hướng dẫn cách pha, liều lượng rất quan trọng. “Nếu hướng dẫn pha với 200ml nước thì cần pha chính xác 200ml nước để đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp cho trẻ. Pha quá ít hay quá nhiều nước cũng nguy hiểm, thậm chí có thể khiến trẻ tử vong. Không được chia nhỏ gói thuốc để pha vì có thể khiến các thành phần không đồng nhất, nhầm lẫn thể tích khi pha”, bác sĩ Thanh nói.

Dung dịch bù nước đã pha ra chỉ nên sử dụng trong vòng 24h, bảo quản kỹ, có thể để tủ lạnh để tránh nhiễm khuẩn.

Oresol chỉ nên pha với nước lọc đun sôi để nguội. Không được dùng nước khoáng đóng chai để pha vì nước này có thành phần khoáng, làm sai lệch nồng độ dung dịch.

Có mẹ quá cẩn thận đã đun sôi dung dịch đã pha. Tuy nhiên, bác sĩ Phương Thanh khẳng định việc làm này là không nên vì sẽ đánh mất hiệu quả của thuốc, bay hơi, làm tăng độ thẩm thấu.

Bác sĩ Thanh nhấn mạnh thêm: “Bên cạnh việc pha Oresol đúng cách, cha mẹ cần có kỹ năng theo dõi các triệu chứng bất thường của trẻ như mất nước, không đáp ứng thuốc… Bất cứ dấu hiệu bất thường nào cũng cần được thông báo cho bác sĩ điều trị và xử lý kịp thời. Nếu trẻ không bù nước bằng đường uống thì có thể bù bằng đường tĩnh mạch và các can thiệp khác, tránh nguy hiểm cho tính mạng của trẻ”.  

Theo Emdep.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ