Phẫu thuật thành công cho bệnh nhi mắc bệnh tim rất hiếm gặp

GD&TĐ - Khi được bác sĩ thông báo con mình mắc bệnh tim phức tạp hiếm gặp, cơ hội chữa trị rất thấp, cha mẹ bé Nguyễn Kiều Lệ D., (5 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Bình) hoàn toàn suy sụp. Gia cảnh khó khăn không đủ điều kiện phẫu thuật, bệnh tim của bé D lại ngày càng trở nặng khiến gia đình đã từng quyết định buông xuôi mọi hi vọng.

Ca phẫu thuật tim tại BV ĐHYD.
Ca phẫu thuật tim tại BV ĐHYD.

Tuy còn nhỏ tuổi nhưng D đã không may mang trong mình nhiều bệnh lý.Mẹ bé cho biết, từ khi mới chào đời, D thường tím tái khi bú, khi khóc.Bé được chẩn đoán mắc bệnh thất phải hai đường thoát dạng chuyển vị đại động mạch, hẹp phổi, thông liên thất, hở van ba lá nặng. Bên cạnh đó, D đã trải qua một ca phẫu thuật cắt túi mật điều trị sỏi mật khi chỉ mới 4 tháng tuổi. Ca phẫu phuật đó cũng lấy đi tất cả số tiền dành dụm của gia đình, nên việc điều trị bệnh tim cho D hoàn toàn nằm ngoài khả năng của cha mẹ bé.

Trong lúc mọi nỗ lực tưởng chừng vô vọng thì tia sáng mới đã xuất hiện khi đoàn từ thiện Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) đến khám tại địa phương. Bé D được lựa chọn tham gia Chương trình hỗ trợ chi phí điều trị tim bẩm sinh cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn của Bệnh viện.Với tình trạng bệnh lý phức tạp, D cần thực hiện 2 lần phẫu thuật chỉnh sửa cấu trúc tim, thay đổi hệ tuần hoàn máu để giúp bé khỏi bệnh và phát triển về lâu dài.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định – Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Phó giám đốc Trung tâm tim mạch BV ĐHYD cho biết: “Bệnh lý thất phải hai đường thoát dạng chuyển vị đại động mạch là bệnh tim bẩm sinh phức tạp ít gặp (chỉ chiếm khoảng 1-1,5% các bệnh lý tim bẩm sinh). Trong đó, trái tim của trẻ bị dị tật bất thường về kết nối giữa tâm thất và đại động mạch khiến toàn bộ máu đổ về thất phải, gây áp lực lớn lên thất phải. Ngoài ra, máu giàu CO2 và giàu Obị trộn lẫn nhau dẫn đến việc thiếu O2 trong máu và làm cho cơ thể bé dễ tím tái. Về lâu dài, việc thiếu O2 trong máu nuôi cơ thể sẽ khiến trẻ chậm phát triển và có thể dẫn đến tử vong.”

Ca phẫu thuật đầu tiên diễn ra vào tháng 03/2017 đã thành công, giúp bé bớt tím do tuần hoàn máu đã được cải thiện một phần. D được gia đình chăm sóc 1 năm để phục hồi sức khỏe, chuẩn bị cho đợt phẫu thuật lần 2. Tuy nhiên, trước khi thực hiện phẫu thuật lần 2, bé phải trải qua nhiều đợt thông tim và can thiệp phức tạp để chẩn đoán và bít tắc những mạch máu bất thường.

Tháng 06/2018, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch BV ĐHYD tiếp tục thực hiện phẫu thuật nối tĩnh mạch chủ dưới vào động mạch phổi, giúp hệ tuần hoàn máu của bé cải thiện toàn phần. Sau 3 tuần chăm sóc và theo dõi, bé D đã khỏe mạnh và xuất viện.

PGS TSBS. Nguyễn Hoàng Định để chia sẻ thêm, vì tính chất phức tạp và hiếm gặp nên hiện nay rất ít bệnh viện đủ năng lực điều trị bệnh lý thất phải hai đường thoát. Các phẫu thuật viên phải được đào tạo chuyên sâu và có giàu kinh nghiệm, kết hợp cùng trang thiết bị hiện đại và đầy đủ mới có thể đảm bảo quá trình phẫu thuật an toàn cho người bệnh, vì chỉ sai sót nhỏ trong quá trình phẫu thuật có thể dẫn đến tử vong.

Để chữa trị thành công cho bé ngoài sự cố gắng của gia đình còn có sự đóng góp thầm lặng của các nhà hảo tâm, Quỹ tài trợ VinaCapital và Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM đã hỗ trợ gần 200 triệu chi phí điều trị cho bé. Thay mặt gia đình bé, đội ngũ bác sĩ Trung tâm tim mạch xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các nhà hảo tâm đã cùng chung tay mang đến cuộc sống mới cho gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.