Ô nhiễm không khí vượt mức báo động: Bảo vệ sức khỏe người già, trẻ em thế nào?

GD&TĐ - Ô nhiễm tại TP Hà Nội mấy tuần gần đây ở ngưỡng báo động. Điều này ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. 

Cần đeo khẩu trang khi ra đường khi không khí ô nhiễm (Ảnh Internet).
Cần đeo khẩu trang khi ra đường khi không khí ô nhiễm (Ảnh Internet).

Các chuyên gia về y tế cảnh báo không khí ô nhiễm sẽ ảnh hưởng nặng nề tới hệ hô hấp đặc biệt là những người mắc các bệnh mạn tính và trẻ nhỏ.

Thủ phạm gây bệnh về đường hô hấp

Trao đổi về những tác hại của ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người, PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nhiều tới vấn đề phát sinh các bệnh về đường hô hấp. Trong đó đặc biệt người già và trẻ nhỏ là hai đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Do, người già thường mắc nhiều bệnh mạn tính đặc biết là những người có mắc các bệnh về hô hấp trước đó.

Ví dụ những người mắc bệnh phổi mạn tính, hen suyễn và các bệnh phổi khác sẽ có nguy cơ cao nhiễm bệnh do không khí ô nhiễm. Đối tượng các cháu nhỏ sức đề kháng kém, khi niêm mạc đường hô hấp hít phải các chất bụi, hoặc khỏi trong không khí cũng rất dễ làm tổn thương niêm mạc.

Thế nên trẻ em cũng rất dễ mắc các bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp.

“Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe con người, cũng như tới quá trình điều trị của các bệnh nhân. Cụ thể, những tác động này làm tăng thêm mức độ bệnh lý, sẽ kéo dài thời gian điều trị sức khỏe của họ.

Khi người dân mắc những bệnh lý về đường hô hấp sẽ gây khó chịu trong sinh hoạt, hiệu suất làm việc hàng ngày giảm sút. Đặc biệt, đối với người có tiển sử bệnh phổi mạn tính, hen khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm rất dễ tái phát bệnh và mức độ bệnh cũng tăng hơn.

Với trẻ nhỏ, nếu tính trên kg cân nặng thì nhu cầu hít thở oxy nhiều hơn người lớn, nhưng sức đề kháng và hệ miễn dịch lại yếu. Tuy nhiên, trẻ nhỏ lại có xu hướng thích hoạt động ngoài trời nhiều hơn nhưng không có ý thức tự bảo vệ cơ thể mình nên rất dễ cơ mắc các bệnh do ô nhiễm không khí.

Ngoài ra, các đối tượng khác sống ở trong môi trường không khí ô nhiễm cũng sẽ bị tổn thương đường hô hấp, các vi khuẩn, vi rút dễ xâm nhập hơn vào cơ thể con người. ”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.

Các biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình

Để hạn chế những tác nhân xấu này, bác sĩ Dũng đã đưa ra lời khuyên: Người dân cần theo dõi dự báo trên các trang thông tin đại chúng để biết được những thông số về mức an toàn trong không khí, từ đó có những kế hoạch di chuyển và phòng vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Những ngày mức độ ô nhiễm không khí cao chúng ta nên hạn chế ra ngoài đặc biệt là qua những khu vực bị ảnh hưởng nặng. Khi đi ra ngoài đường phải đeo khẩu trang để ngăn ngừa khói bụi trong không khí.

Hiện nay, khẩu trang bán trên thị trường tuy có tác dụng ngăn ngừa sự độc hại của khói bụi nhưng cũng chỉ ở mức độ thấp. Trên thực tế, với những bụi mịn trong không khí đều có thể xuyên qua các lớp của khẩu trang. Vì vậy người dân nên chọn những loại khẩu trang dày, nhiều lớp sẽ có tác dụng ngăn khói bụi tốt hơn.

Với nhưng gia đình gần khu vực ô nhiễm cao nên đóng cửa những lúc không cần thiết và sử dụng điều hòa để lọc không khí để hạn chế những tác nhân ô nhiễm.

Theo các chuyên gia về y tế, ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng nặng đến hệ hô hấp của con người; dễ bị kích ứng tại đường hô hấp.

Đối với người mắc bệnh lý hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tình trạng bệnh lý thường ở mức độ nặng. Nhất là những người bị hen phế quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp có thể dẫn đến tình trạng khó thở, nặng hơn là suy hô hấp đe dọa tới tính mạng.

Với bệnh nhân này việc đáp ứng trong quá trình điều trị kém nên việc chữa bệnh càng khó khăn hơn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ