Ô nhiễm không khí: Tác nhân gây các bệnh không lây nhiễm

Ô nhiễm không khí: Tác nhân gây các bệnh không lây nhiễm

Tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), sáu chất chính gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người gồm oxit nitơ, oxit lưu huỳnh, cacbon monoxit, chì, ozon tầng mặt đất, các hạt vật chất khí quyển lơ lửng. 

Trong đó, các hạt bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2,5 micro (PM 2.5) đáng được bận tâm nhất. Vì chúng có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, ảnh hưởng đến cả hệ hô hấp và hệ thống mạch máu. Tình trạng sức khoẻ bị ảnh hưởng của con người có nghiêm trọng hay không sẽ tuỳ thuộc vào mức độ và thời gian tiếp xúc với không khí ô nhiễm.

Mức độ ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khoẻ con người rất nghiêm trọng, gây ra nhiều bệnh không lây nhiễm. Tương đương với tác hại của việc hút thuốc lá và cao hơn nhiều so với tác động từ thói quen ăn nhiều muối. Cụ thể, 1/3 số ca tử vong do đột quỵ, ung thư phổi và các bệnh tim mạch là do ô nhiễm không khí. Các chất ô nhiễm cực nhỏ trong không khí có thể lọt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể, xâm nhập sâu vào hệ hô hấp và tuần hoàn sau đó dần làm hỏng phổi, tim, não của con người.

Theo PGS.TS bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An - nguyên Trưởng khoa Tai Mũi Họng Nhi, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương (hiện là Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt) cho biết: "Lâu nay, nhiều người thường lầm tưởng ô nhiễm không khí chủ yếu ảnh hưởng đến phổi và hệ hô hấp. Nhưng theo một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học, không khí ô nhiễm có thể gây tổn tại cho hầu hết nội tạng trong cơ thể người. Nó là tác nhân cơ bản gây nên một số bệnh như nhiễm trùng hô hấp, bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi, bệnh trực tiếp bị ảnh hưởng nhiều nhất là tình trạng của đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới".

Ô nhiễm không khí vừa là nguyên nhân hình thành vừa là yếu tố làm trầm trọng thêm một số bệnh không lây nhiễm, từ hen suyễn cho đến bệnh tim mạch, ung thư phổi, phì đại tâm thất, bệnh alzheimer, parkinson, biến chứng tâm lý, tự kỷ, bệnh võng mạc. Các hạt bụi mịn và siêu mịn, một trong những thành phần chính của không khí ô nhiễm, đã được cơ quan nghiên cứu Ung thư quốc tế xếp vào nhóm chất gây ung thư cho con người.

Tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khoẻ con người đang ngày càng được quan tâm khi các nghiên cứu đã chứng minh có mối liên hệ giữa một số bệnh nghiêm trọng giữa các nhóm tuổi khác nhau và ô nhiễm không khí như biến chứng thần kinh và tâm lý, kích ứng mắt, các bệnh ngoài da, các bệnh mãn tính lâu dài như tiểu đường, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi.

Theo ước tính gần đây của WHO, việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm là một yếu tố rủi ro đối với vài căn bệnh nguy hiểm hơn những gì chúng ta từng nghĩ trước đây. Ô nhiễm không khí là tác nhân lớn nhân lớn nhất dẫn đến gánh nặng bệnh không lây nhiễm có nguồn gốc từ môi trường.

Chiến lược phòng chống bệnh không lây nhiễm

Bệnh không lây nhiễm có thể tránh được thông qua giảm thiểu những yếu tố nguy cơ, đồng thời tăng cường hệ thống y tế, tập trung vào tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu để quản lý và chăm sóc cho người đã mắc bệnh không lây nhiễm.

Trên phạm vi toàn cầu, WHO khuyến cáo một số chiến lược và phương thức để phòng chống bệnh không lây nhiễm như chuyển đổi từ cách tiếp cận từng bệnh không lây nhiễm riêng lẻ sang lồng ghép các bệnh trong quá trình chăm sóc người bệnh. Sử dụng các biện pháp y tế dự phòng làm nền tảng trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm.

Sử dụng chiến lược phối hợp chặt chẽ các ban ngành có liên quan, tập trung phòng chống yếu tố nguy cơ thông qua hành động liên ngành, thực hiện mục tiêu quốc gia, xây dựng môi trường lành mạnh nâng cao sức khoẻ. Ban hành các luật và văn bản pháp qui như: Cấm hút thuốc nơi công cộng; áp mức thuế cao đối với các hàng hóa tiêu thụ đặc biệt như rượu bia, thuốc lá; khuyến khích chế độ dinh dưỡng, vận động thể lực lành mạnh, phù hợp với mức sống cộng đồng.

Tại Việt Nam trong Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025, ban hành theo Quyết định số 376/QĐ -TTG của Thủ tướng chính phủ ngày 20 tháng 3 năm 2015 có nêu rõ mục tiêu và các giải pháp trong vấn đề này.

Cụ thể, khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó ưu tiên phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Ngoài ra, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và hiểu biết của người dân trong phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. Giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính gây mắc các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

Bên cạnh đó, hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm tại cộng đồng do các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. Nâng cao năng lực và hiệu quả trong dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị, quản lý bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ