Nha sĩ kể chuyện những chiếc “răng khôn”

GD&TĐ - Quan tâm sức khỏe răng miệng là việc làm cần thiết để bảo về sức khỏe toàn diện của mỗi người. Từ những vấn đề tưởng như rất đơn giản của hàm răng cũng có thể dẫn đến hệ lụy khôn lường. Báo GD&TĐ có cuộc trao đổi với BS Nguyễn Huy Kỳ về câu chuyện của “góc con người” và những chiếc “răng khôn”.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Huy Kỳ tư vấn về điều trị răng.
Bác sĩ CK2 Nguyễn Huy Kỳ tư vấn về điều trị răng.

Bệnh vào từ miệng

BS.CK2 Nguyễn Huy Kỳ từng công tác tại Trung tâm Bác sĩ gia đình, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba. Thời gian làm nghề 30 năm giúp ông có những trải nghiệm thú vị, dở khóc, dở cười và đôi khi rất đáng yêu.

Không phải ngẫu nhiên, người ta gọi ông là “Phù thuỷ răng số 8”, bởi cho tới nay, ông đã xử lý tới hàng nghìn ca phẫu thuật răng khôn mọc lệch, từng gặp và xử lý thành công hàng nghìn vấn đề cho răng số 8.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Huy Kỳ được nhiều bệnh nhân gọi vui là “phù thủy răng số 8”.

Ông kể, một trong những trường hợp khó nhất là răng khôn chân dùi trống, nhổ rất khó và cũng tiềm ẩn nhiều biến chứng như gãy xương hàm, nếu gây tê nhiều có thể gây tê bì nửa mặt suốt đời… bởi vậy, việc xử lý dù không thiếu kinh nghiệm nhưng vẫn phải tuyệt đối cẩn thận, không để xảy ra sai sót nào dù nhỏ với bệnh nhân.

Có những ca phẫu thuật kéo dài trong 8 tiếng, đòi hỏi tập trung cao độ kéo dài nên thần kinh của bác sĩ chính cũng như cả kíp phẫu thuật đều căng như dây đàn. “Lúc phẫu thuật xong, bệnh nhân thở phào nhẹ nhõm còn nha sĩ thì bải hoải cả người, không thiết ăn gì nữa, chỉ uống nước lọc vì đã quá mệt”, nha sĩ Kỳ chia sẻ.

Cũng có một sự thật không nhiều người biết, là các nha sĩ cũng là nhóm đối tượng nguy cơ cao với bệnh lý cơ xương như hội chứng ống cổ tay, co cơ, đau cổ vai gáy, đau thắt lưng, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, viêm quanh khớp vai… đẩy nhanh các triệu chứng thoái hóa xương, thiếu máu não bởi tư thế làm việc do phải ngồi nhiều, liên tục trong nhiều giờ liền. Nha sĩ Kỳ không phải trường hợp ngoại lệ với những đánh đổi đó.

Thế nhưng, đổi lại, có những niềm vui rất giản dị đáng yêu mà chỉ có nghề này mới mang lại được. Đó là khi bệnh nhân vui vẻ thông báo đã có thể “vô tư ăn thịt gà”. Lại có chuyện hài hước như vợ đến bắt đền bác sĩ vì chỉnh nha cho chồng đến nỗi không nhận ra rồi cũng đòi bắt chước làm thế trong khi hàm răng của mình… bình thường.

Vị nha sĩ nhiều tâm huyết chia sẻ rằng, dân gian có câu “Thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng” để diễn tả sự đau đớn khó chịu xếp hạng nhất nhì với sức khỏe chính là đau răng. Nó khiến cuộc sống của người bệnh bị đảo lộn, không thể yên tâm sinh hoạt và làm việc.

Tuy nhiên, hầu như người Việt chưa có cái nhìn đúng về tầm quan trọng của sức khoẻ răng miệng. Chỉ khi có vấn đề họ mới đến gặp nha sĩ để được thăm khám, tư vấn và chăm sóc: “Khám, chữa bệnh cho họ là một chuyện, cần phải giúp họ dần thay đổi nhận thức về nha khoa, bởi bệnh cũng từ miệng mà vào” - Nha sĩ Nguyễn Huy Kỳ chia sẻ.

Nhiều người vẫn cho rằng, nha khoa là chuyên khoa nhẹ nhàng nhất trong chăm sóc điều trị các vấn đề sức khỏe. Nha khoa đơn thuần bao gồm những việc như: Cạo vôi răng, nhổ răng, chữa tủy răng… đều là những thủ thuật ít chảy máu, ít nguy cơ hơn những chuyên khoa khác.

Nhưng, sự thật không chỉ có thế, nha sĩ cũng bị tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh như viêm gan siêu vi B, cúm, lao, HIV… từ bệnh nhân. Không nhiều người thấu hiểu cho những vất vả thầm lặng của người được xã hội trao sứ mệnh bảo vệ nụ cười.

Nha sĩ Kỳ đang điều trị cho bệnh nhân.
 Nha sĩ Kỳ đang điều trị cho bệnh nhân.

Nha sĩ càng phải giữ gìn y đức

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Kỳ, những người khoác trên mình chiếc áo blouse càng phải ý thức rõ ràng y đức khi các giá trị xã hội đang được cảnh báo nhiều trong thời gian gần đây. Đạo đức là những điều đơn giản nhất như là không được nói dối bệnh nhân. “Mình là nha sĩ, vì thế có những điều chỉ mình mới hiểu.

“ Với tôi, nghề đã thành nghiệp. Tôi không hối hận khi chọn một nghề mà có tới 90% người làm nghề bị bệnh về cột sống…”
 
BS.CK2 Nguyễn Huy Kỳ

Như việc không phải ai cũng có thể niềng răng, mình sẽ chỉ tư vấn phương pháp phù hợp với tình trạng sức khoẻ cũng như tài chính của họ. Luồn lách mánh khoé để hướng bệnh nhân theo ý mình là điều không chấp nhận được. Là bác sĩ, trách nhiệm là phục vụ, thì phải nói thật”.

Thực tế buồn hiện nay trong nha khoa là có những phòng khám được mở ra nhưng không phải cơ sở nào cũng đáp ứng được tiêu chuẩn để khám chữa bệnh, chưa nói đến việc “quảng cáo một đằng, hành nghề một nẻo” mà người thiệt thòi nhất vẫn là bệnh nhân. Bởi vậy, trong nghề, yếu tố chuyên môn được đặt lên hàng đầu, nhưng cũng phải luôn đồng hành cùng đạo đức.

“Những nha sĩ như chúng tôi đều mong muốn góp phần nhỏ bé của mình để thay đổi nhận thức của cộng đồng về vấn đề sức khoẻ răng miệng, khoẻ và đẹp là hai yếu tố song hành. Dẫu nhiều nhọc nhằn, vất vả nhưng nghề nghiệp vẫn mang lại những cảm xúc đáng quý cho chúng tôi. Điều đó là vô giá”, ông chia sẻ.

Nhìn cách ông tận tụy giải thích cho bệnh nhân, hay trăn trở trước những phác đồ có thể là hơi tốn kém chi phí với những người bệnh nghèo, hoặc lúc ông tỉ mỉ mài từng chiếc răng cho người bệnh... Nếu có dịp chứng kiến tất cả những điều ấy, mới thấy được sự gắn bó với nghề của vị nha sĩ này.

Bác sĩ Kỳ cho rằng, trong nha sĩ cũng có một phần nghệ sĩ: “Nghề này cũng như cái nghiệp, phải đam mê, tâm huyết mới bám trụ được. Nha sĩ chúng tôi đều yêu cái đẹp. Chỉnh nha, thẩm mỹ xong một hàm răng đẹp sẽ có cảm giác như là hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật. Sẽ rất mãn nguyện khi biết mình đang làm công việc giúp người khác tự tin, hạnh phúc hơn. Bởi một nụ cười rạng rỡ đôi khi có giá trị thay đổi cuộc sống của một con người”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ