Nguyên nhân và hậu quả khó lường của bệnh béo phì

GD&TĐ - Khi đói người ta ao ước có cái để ăn. Lúc trọng lượng cơ thể còn quá khiêm tốn, người ta mong làm sao cho tăng cân.

Đề phòng béo phì không có nghĩa là bắt phải nhịn ăn.
Đề phòng béo phì không có nghĩa là bắt phải nhịn ăn.

Nhưng khi ăn quá nhiều, trọng lượng cơ thể bắt đầu dư thừa, nguy cơ rơi vào tình trạng béo phì xuất hiện thì người ta vội vàng tìm mọi cách để “stop” trọng lượng cơ thể lại. Sự thiếu kiến thức, hành động không mang tính khoa học trong việc làm cho giảm cân đã để lại hệ lụy khó lường...

Béo phì ngày càng tăng

Trong những năm gần đây, nhờ vào sự phát triển kinh tế, nguồn lương thực, thực phẩm trở nên dồi dào. Tuy nhiên, sự dư thừa cũng có mặt trái của nó. Đó là gia tăng làn sóng những người mắc bệnh béo phì.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/ OMS), béo phì (obesity/ obésité) là tình trạng tích lũy mỡ quá nhiều trong cơ thể đến mức có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Các nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ thừa cân và béo phì ở thành thị cao hơn nông thôn. Tại những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉ lệ béo phì ở học sinh tiểu học có nguy cơ vượt quá mức 10%.

Theo một báo cáo của Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh, ở một trường tiểu học có 2.500 học sinh thì có đến 20,8% thừa cân, trong đó có 6,8% mắc bệnh béo phì. Cũng tại thành phố đông dân nhất này, điều tra năm 1999 chỉ khoảng 2,2% trẻ bị dư cân béo phì, năm 2008 đã vượt lên đến 10,9%.

Tại các nước phát triển, tỉ lệ béo phì ở các teen còn “khủng hơn”. Một nghiên cứu đã đưa ra kết luận: Trong 20 năm qua, số trẻ béo phì ở Đức tăng 21%, Nhật tăng 53%, Mỹ tăng 60% và ở Singapore tăng 75%.

Cách đánh giá cân nặng của cơ thể

Muốn làm giảm cân thì phải biết mình tăng cân như thế nào, nghĩa là phải biết cách tính toán để xác định mức độ thừa trọng lượng của cơ thể. Nói theo chuyên môn là xác định chỉ số khối cơ thể, gọi tắt là BMI (Body mass index).

Từ thế kỷ thứ XIX, nhà toán học người Bỉ là Quetelet đã tìm thấy mối tương quan giữa các đại lượng trong cơ thể con người là lượng mỡ, chiều cao và cân nặng. Ông đã đề ra công thức tính chỉ số trọng lượng cơ thể gọi là chỉ số BMI theo công thức sau:

BMI = Trọng lượng cơ thể (kg) : [chiều cao (m)]2

Ý nghĩa của công thức là trọng lượng của cơ thể (tính bằng kg) chia cho bình phương của chiều cao (tính bằng mét). Gọi là bình thường khi BMI từ 20 - 25, trên 25 là thừa cân, trên 30 là béo phì, nhưng nếu dưới 20 là... thiếu cân.

Ngày nay, khoa học đã phát minh ra máy đo lượng mỡ trong cơ thể gọi là DXA (Dual-energy X-ray absorptionmetry). Nhưng đây là phương tiện với cách ứng dụng khá phức tạp và nhất là đắt tiền nên không phổ biến.

Các nguyên nhân

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Có thể “gộp” nguyên nhân gây tình trạng béo phì trong 3 nhóm chính sau đây:

- Do yếu tố di truyền: Bệnh béo phì có liên quan đến yếu tố di truyền, hay nói khác hơn là có liên quan đến “gien”. Bởi vì, có những người bị tăng cân một cách dễ dàng, trong khi đó có những người ăn uống rất “hồn nhiên” mà không hề bị thừa cân chút nào.

- Do ăn uống: Ở hầu hết các trường hợp mắc bệnh béo phì thì đây là nguyên nhân chủ yếu. Chiếm tỉ lệ đến 95%. Các loại thực phẩm giàu năng lượng và nhiều chất béo như thịt mỡ, bơ, sữa... sẽ làm cho tăng cân dễ dàng hơn là các loại thức ăn ít năng lượng như rau xanh, khoai tây và bánh mì...

Thói quen nhấm nháp một cái gì đó khi cảm thấy “buồn buồn” cũng là yếu tố góp phần gia tăng tình trạng thừa cân và béo phì. Các “fast foot” như snack, chip chip, bim bim... là các thức ăn giàu năng lượng, góp phần gia tăng tỉ lệ béo phì trong cộng đồng.

- Do ít vận động: Sự hoạt động năng động là yếu tố hạn chế sự tăng cân và béo phì xảy ra. Các nghiên cứu cho thấy, những người ngồi lì trước tivi, máy tính hay vận động ít đều dễ bị tăng cân.

Ngoài ra, sự... muộn phiền cũng góp phần gia tăng cân nặng và gây sự béo phì, vì gây ra những ảnh hưởng bất lợi đến hệ thống nội tiết trong cơ thể.

Trong đại dịch Covid-19, những ngày thực hiện giãn cách, phong tỏa, cách ly để phòng chống dịch với nhiều người là những ngày... dễ bị tăng cân. Do phiền muộn, đi ra đi vào than thở và cũng là những ngày có thừa thời gian cho việc chế biến các món ăn ưa thích, ăn uống vô tư, lại ít vận động. Nên khi soi gương, giật mình, vì thấy trọng lượng đã bắt đầu dư thừa.

Hậu quả

Một khi trọng lượng cơ thể gia tăng gây ra sự thừa cân và béo phì thì cũng có nghĩa là thân chủ ngày càng cảm thấy tự ti, mặc cảm và thiếu sự tự tin. Người xung quanh thường hay chọc ghẹo bởi thân hình ngày càng phì nhiêu, khó coi và di chuyển nặng nề. Có một số trường hợp trẻ em bước lên bàn cân còn nặng ký hơn cả người lớn, bởi kim đồng hồ chỉ mức 100kg và thậm chí là 120kg.

Béo phì còn gây ra nhiều nguy cơ mắc các bệnh như gan nhiễm mỡ, rối loạn sắc tố da, kinh nguyệt bất thường ở trẻ gái, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, sỏi mật, bệnh xương khớp, bệnh gút, vô sinh và thậm chí là ung thư. Khả năng mắc các bệnh mạn tính của người béo phì cũng tăng gấp 5 lần so với người bình thường.

Việc dùng thuốc giảm béo

Trên thị trường hiện nay, có nhiều loại thuốc được khuyến cáo có tác dụng giảm béo. Tiêu biểu như viên Sibutramine mà nhiều bạn đọc đã từng hỏi. Việc dùng thuốc Sibutramine cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ chứ không thể nghe ai mách gì dùng nấy kiểu như giới thiệu món ngon của quán lạ được.

Thuốc Sibutramine có tác dụng dược lý lên hệ thần kinh trung ương gây tăng Serotonine và Noradrenaline trong não, tạo ra cảm giác no. Bởi vậy, sau khi dùng thuốc người mắc chứng béo phì sẽ không thấy thèm ăn để mà đánh chén tì tì như thường ngày được nữa. Bên cạnh việc dùng Sibutramine, người béo phì cần thực hiện chế độ ăn kiêng và tích cực rèn luyện thể dục thể thao để loại bỏ năng lượng dư thừa.

Thuốc Sibutramine chống chỉ định dùng cho những người có tiền sử mắc bệnh tim mạch hay đột quỵ. Người sử dụng thuốc Sibutramine cần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu dùng thuốc trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng mà trọng lượng không giảm khoảng 5% thì cần ngưng sử dụng và tham vấn bác sĩ chuyên khoa.

- Lưu ý: Việc uống các loại giấm chua hoặc tự chế tạo các loại nước có vị chua để dùng với mục đích “đốt cháy” mỡ để giảm cân, ngăn chặn sự béo phì chỉ tổ làm hại cho cái dạ dày mỏng mảnh mà thôi!

Ngăn chặn thảm họa

Đề phòng béo phì không có nghĩa là bắt phải nhịn ăn. Bởi nếu phải nhịn ăn sẽ gây ra cảm giác đói, có khi ăn bù còn nhiều hơn là chế độ ăn uống bình thường. Lúc đó vốn đã thừa cân càng thêm thừa hơn.

Điều quan trọng là cho ăn các thức ăn ít năng lượng như các loại thực phẩm có hàm lượng đạm, đường và chất béo thấp. Vì vậy, các loại thức ăn như bánh kẹo ngọt, chè ngọt, thức ăn nhanh và nước ngọt cần phải hạn chế đến mức tối đa. Vấn đề là nhận thức được mối nguy hại do các thức ăn thừa năng lượng gây ra bệnh lý béo phì. Để từ đó có ý thức tự phòng vệ tốt hơn.

Ăn uống cần chậm rãi. Bởi nếu ăn quá nhanh sẽ không có cảm giác no nên cứ ăn hoài. Chế độ ăn cần có canh và nhiều chất xơ như ăn nhiều rau, trái cây để tạo cảm giác no.

Ngoài các bữa ăn chính, không ăn thêm gì càng tốt hoặc chỉ ăn thêm 1 - 2 bữa phụ bằng yaourt, trái cây hoặc sữa không đường để tạo cảm giác no mà quên đi sự thèm ăn. Tăng cường vận động và sau 8 giờ tối không nên nhấm nháp gì thêm.

Nghiên cứu của Đại học Hawaii (Mỹ) đã đưa đến kết luận, béo phì là một bệnh... lây! Có nghĩa là khi chơi với những người bạn béo phì thì sẽ bị ảnh hưởng tính lười vận động và ăn uống không có điểm dừng, nên tăng cân lúc nào không biết.

Năm 2009, một nghiên cứu đã được công bố tại Hội nghị thường niên SLEEP (giấc ngủ) là những người ngủ ít hay ngủ nhiều đều dễ bị thừa cân như nhau. Do đó, chỉ nên ngủ đủ 8 giờ/ngày. Nếu ngủ < 7 giờ hoặc > 9 giờ đều có nguy cơ gia tăng trọng lượng cơ thể và phát sinh béo phì.

Việc nằm lâu, ngồi lâu đều góp phần gia tăng trọng lượng. Vì vậy, chúng ta phải thường xuyên vận động, thể dục thể thao, rời bàn làm việc sau mỗi 50 - 60 phút ngồi “đồng” để làm một chuyện gì đó. Có vậy mới góp phần ngăn chặn được được sự thừa cân dẫn đến hậu quả... béo phì!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ