Nguy cơ lây nhiễm chéo khi xét nghiệm sàng lọc Covid-19

GD&TĐ - Cần thiết lập nơi lấy mẫu đủ tiêu chuẩn về vệ sinh, không gian đủ rộng, thông thoáng. Nhờ đó, bảo đảm số người đến xét nghiệm không quá tải, giữ khoảng cách, giảm “lây nhiễm chéo” giữa người đến xét nghiệm.

Người dân tại TPHCM xếp hàng dài chờ lấy mẫu. Ảnh: Thanh Hương
Người dân tại TPHCM xếp hàng dài chờ lấy mẫu. Ảnh: Thanh Hương

Nguy cơ sai số cao

Sau khi nhiều địa phương và doanh nghiệp yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, người dân ở TPHCM đã đổ xô đến các bệnh viện. Họ xếp hàng đăng ký làm xét nghiệm dịch vụ để lấy “giấy thông hành” về quê hoặc đi làm.

Trong đó, nhiều người đi xét nghiệm là lao động làm việc tại TPHCM, nhưng cần đi qua tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… Tuy nhiên, do số lượng người đi xét nghiệm quá đông, nhiều bệnh viện tại TPHCM không thể bảo đảm giãn cách để phòng dịch.

Theo TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ), việc xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng (vài triệu người) để tìm ra người nhiễm virus trong cộng đồng là một “ý tưởng” hay nhưng “rất khó” thực hiện. Cụ thể, xét nghiệm chỉ cho thấy kết quả của một thời điểm. Trong khi đó, người được xét nghiệm có thể nhiễm bệnh sau này.

“Sự tương tác liên tục giữa vài triệu con người trong một cộng đồng là điều không thể tránh khỏi trong quá trình kiểm tra. Để có bức tranh thật giống với thực tế trong một thời điểm nào đó, chúng ta phải test cho khoảng hàng triệu người trong thời gian rất ngắn. Điều này quá khó vì bị giới hạn về lượng nhân viên y tế, hóa chất, thiết bị…”, TS Vũ lưu ý.

Trong khi đó, thực hiện xét nghiệm trên số lượng mẫu càng lớn, sai số càng cao. Bởi, nhân viên phải thực hiện quá nhiều mẫu, áp lực về thời gian. Thậm chí, không ít nơi phải sử dụng những nhân viên không lành nghề.

Kết quả âm/dương tính giả

Do đó, TS Vũ khuyến cáo, cần thiết lập những nơi lấy mẫu đủ tiêu chuẩn về vệ sinh, không gian đủ rộng, thông thoáng. Đồng thời, thiết lập hệ thống đặt hẹn cho từng người. Nhờ đó, bảo đảm số lượng người đến những trung tâm này không quá tải. Bảo đảm giữ khoảng cách, giảm “lây nhiễm chéo” giữa những người đến xét nghiệm.

“Không có test nào hiện nay có thể đảm bảo 100% đúng. Đặc biệt, các test nhanh (biết kết quả trong vòng 30 phút) có độ nhạy và độ đặc hiệu kém hơn các test RT-PCR. Dữ liệu thực tế từ thí điểm Liverpool cho thấy, bộ dụng cụ kiểm tra nhanh được sử dụng rộng rãi nhất ở các trường đại học, trường học và nhà chăm sóc ở Vương quốc Anh chỉ phát hiện 48,89% trường hợp nhiễm Covid-19 ở những người không có triệu chứng khi so sánh với xét nghiệm bằng RT-PCR”, chuyên gia dẫn chứng.

Vì vậy, theo TS Vũ, kết hợp với các sai số trên, sẽ có một số lượng không nhỏ người nhận kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả. Trong trường hợp đó, người nhận kết quả âm tính giả có thể chủ quan và đi lây nhiễm cho nhiều người khác. Trong khi đó, người có kết quả dương tính giả phải tốn thời gian cách ly không cần thiết.

“Do vậy, việc thực hiện 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) như ở Việt Nam một cách nghiêm túc đã đủ để giảm thiểu việc lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng”, TS Vũ nhận định.

Theo chuyên gia này, việc xét nghiệm chỉ nên dùng để thực hiện trên những người có biểu hiện bệnh và nghi ngờ mắc Covid-19. Hoặc, những người tiếp xúc trực tiếp với F0 (nói chuyện ở khoảng cách gần và không khẩu trang). Ngoài ra, những nhân viên y tế cũng cần xét nghiệm nếu tiếp xúc thường xuyên với các bệnh nhân có bệnh nền, hay người có nguy cơ cao bị bệnh nặng/tử vong khi mắc Covid-19.

Trong khi đó, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) khuyến cáo, khi đi lấy mẫu xét nghiệm, không nên tập trung quá đông. Bởi, nơi lấy mẫu thường gần nhà. Do đó, cần tìm thời điểm không đông người để ra lấy mẫu xét nghiệm. Ngoài ra, cần đeo khẩu trang đúng cách và thường xuyên.

Chuyên gia này cũng lưu ý, trong quá trình lấy mẫu, người dân cần ngồi ngửa cổ, ngồi yên. Bởi, càng ngồi yên càng dễ lấy, ít đau hơn và có thể lấy chính xác. Đặc biệt, chỉ nên kéo khẩu trang hở mũi, không hở miệng. Ngoài ra, người dân nên nhắc nhân viên lấy mẫu sát trùng tay trước khi thực hiện. Lấy mẫu xong nên về nhà ngay.

“Lấy sai sẽ cho kết quả sai, không tuân thủ có thể bị lây chéo”, bác sĩ Khanh cảnh báo.

Ngày 7/7, Bộ Y tế có Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn tiếp nhận người về từ TPHCM. Trong đó, tất cả người từ TPHCM được coi là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định, phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương. Đồng thời, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 7 ngày tiếp theo. Các trường hợp này phải thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.
Trong thời gian tự theo dõi sức khỏe, yêu cầu hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh. Không tham gia các hoạt động tập trung đông người. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác, phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời, đúng quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.