Người dân không thể chủ quan, kể cả đã tiêm 2 mũi vắc xin vẫn có thể mắc Covid-19

GD&TĐ - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhận định, những người tiêm vắc xin mũi 1, thậm chí ngay cả người tiêm vắc xin mũi 2 vẫn có thể mắc Covid-19 và chuyển biến nặng nếu không có phác đồ điều trị phù hợp.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Theo Sở Y tế Hà Nội cho biết, toàn thành phố Hà Nội hiện có 31 điểm còn phong tỏa, cách ly y tế tập trung.

Đáng chú ý, sau khi có một trường hợp F0 xảy ra ngoài cộng đồng tại quận Hà Đông, Sở Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương khoanh vùng diện hẹp và xử lý dứt điểm các trường hợp liên quan; đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ vừa được phép mở cửa trở lại và quản lý chặt người dân đi từ các tỉnh, thành khác về thành phố.

Liên quan đến vấn đề sau tiêm vắc xin, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đưa ra con số cho thấy, những người tiêm vắc xin mũi 1, thậm chí ngay cả người tiêm vắc xin mũi 2 vẫn có thể mắc Covid-19 và chuyển biến nặng nếu không có phác đồ điều trị phù hợp.

"Qua số liệu thống kê 3.308 bệnh nhân ở Hà Nội mắc Covid-19 đã được ra viện, trong đó 311 bệnh nhân đã được tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19, chiếm 9,4% và 73 bệnh nhân đã được tiêm mũi 2, chiếm 2,2%.

Tổng số bệnh nhân đã được tiêm mũi 1 và mũi 2 là 11,6%. Điều này cho thấy không thể chủ quan, kể cả khi đã tiêm đủ 2 mũi vẫn có thể mắc bệnh và vẫn lây lan ra cộng đồng," bà Trần Thị Nhị Hà phân tích.

Bà Trần Thị Nhị Hà cho biết thêm, qua công tác điều trị cho 311 bệnh nhân đã được tiêm mũi 1, có 73 người phải điều trị ở tầng 2. Trong số 73 người đã tiêm vắc xin mũi 2 có 21 người điểu trị ở tầng 2.

Tầng 2 là tầng điều trị cho bệnh nhân có bệnh lý nền hoặc bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, không triệu chứng nhưng trên cơ sở bệnh lý nền. Ở tầng này nếu không được điều trị tốt, có phác đồ điều trị phù hợp rất dễ bị chuyển lên tầng 3, là tầng dành cho bệnh nhân nặng có nguy cơ tử vong cao.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, ngành Y tế đang cập nhật phác đồ tốt nhất và học tập kinh nghiệm của một số địa phương có nhiều ca F0 như tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh; làm việc với các chuyên gia trong lĩnh vực điều trị để điều trị sớm, chống đông, kháng viêm, cho bệnh nhân thở ô-xy sớm trong phác đồ điều trị để giảm số bệnh nhân phải chuyển tầng xuống còn 2-3%, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

"Hà Nội đã truy vết nhanh, phát hiện sớm ca F0 trong cộng đồng nên số bệnh nhân nặng ít hơn một số tỉnh khác. Hệ thống y tế dự phòng đang gồng mình để giảm tải cho hệ thống điều trị.

Tuy nhiên, nếu người dân cứ chủ quan, lơ là không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch như trình trạng tập trung đông người đêm rằm Trung Thu (tối 21/9 dương lịch), ngành Y tế rất lo lắng, công tác phòng, chống dịch sẽ gặp nhiều khó khăn," bà Trần Thị Nhị Hà bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.