Người bị hổ mang chúa cắn rồi mang cả rắn đến bệnh viện được cứu thế nào?

Anh Phan Văn Tâm, 38 tuổi, ở gần núi Bà Đen (Tây Ninh) đã qua nguy kịch sau khi được truyền 15 lọ huyết thanh kháng nọc độc của hổ mang chúa.

Anh Tâm đang hồi phục, tỉnh táo và có thể cử động được theo hướng dẫn của bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Anh Tâm đang hồi phục, tỉnh táo và có thể cử động được theo hướng dẫn của bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Ngày 21/8, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang - Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, sau hai ngày điều trị, sức khỏe của bệnh nhân bị hổ mang chúa cắn, quấn chặt tay ở Tây Ninh đã ổn định. Hiện anh Tâm đã tỉnh táo, sức cơ tứ chi khôi phục hoàn toàn, mắt mở to, tự thở qua ống nội khí quản.

Theo bác sĩ Sang, anh Tâm nhập viện lúc 12h45 ngày 19/8 trong tình trạng liệt hoàn toàn cơ tứ chi và cơ hô hấp, sưng vùng đùi phải. Bệnh nhân được đưa vào Khoa Hồi sức tích cực, cài đặt máy thở. Đơn vị chống độc đã tiến hành hội chẩn, khám toàn diện, đánh giá rất nhanh tình trạng bệnh và định danh con rắn do người nhà mang theo.

Các bác sĩ đánh giá, rắn cắn anh Tâm là hổ mang chúa có độc tính cao, kích thước lớn (dài khoảng 3 m, nặng gần 5 kg). Khi rắn đưa nọc độc vào người lượng lớn, phát tán ra cơ thể làm liệt tứ chi, cơ hô hấp trong thời gian rất nhanh.

Trong trường hợp khống chế không cho nọc độc phát tán nếu không có huyết thanh kháng nọc sẽ khiến bệnh nhân suy đa phủ tạng, tổn thương tim dẫn đến tử vọng.

"Tuy sức khỏe bệnh nhân đã ổn định nhưng vẫn phải theo dõi sát sao phòng ngừa các biến chứng tim mạch, nhiễm trùng khu vực bị cắn", bác sĩ Sang nói và khuyến cáo người dân không nên tự ý bắt rắn, đặc biệt là rắn độc vì rất nguy hiểm đến tính mạng.

Theo gia đình, hơn mười ngày trước, anh Tâm giăng lưới bắt rắn ở các rẫy trồng mãng cầu na gần núi Bà Đen. Hôm đầu tiên, anh bắt được một con rắn long thừa (hổ trâu) nặng chừng 3 kg, bán được hơn 500.000 đồng.

7h30 ngày 19/8, khi đang ở rẫy mãng cầu, anh thấy con rắn to, nghĩ là rắn long thừa nên tìm cách bắt. Nhưng không may, con hổ mang chúa quay lại tấn công, cắn vào đùi phải, quấn quanh tay, cổ. Hô hoán kêu cứu, anh được ba người cắt cỏ gần đó dùng vải siết chặt quanh đùi, chặn nọc độc. Tay anh vẫn giữ chặt đầu con rắn để nó không tấn công nữa. Mọi người quấn băng keo buộc miệng con rắn.

Mười phút sau, anh được ba người dìu ra đường lớn gọi xe đưa đi bệnh viện. Trên tay anh vẫn giữ con rắn, mang theo để bác sĩ xác định chính xác loại rắn nào. Chính điều này khiến một số tài xế đi ngang hoảng sợ chạy đi. May mắn có anh lái taxi hiểu chuyện, dừng xe sau đó bật đèn cảnh báo để chạy nhanh nhất có thể, chở anh đến bệnh viện sau 15 phút cho quãng đường hơn 20 km.

"May mắn, con đường đó chạy lên khu cáp treo lên khu du lịch núi Bà Đen, có nhiều xe cộ chạy qua, chứ nếu chậm hơn chút nữa nữa chắc không cứu được em tôi", anh Hoàng, anh rể nạn nhân cho biết.

Chăm sóc chồng tại bệnh viện, chị Bùi Thị Ngọc Tuổi, 28 tuổi, cho biết, sáng hôm đó, chị đi làm cỏ tại rẫy mãng cầu cách nhà chừng 6 km. Làm được hơn 2 tiếng, một phụ nữ bán vé số là người quen lật đật chạy đến báo tin, anh Tâm bị rắn độc cắn, nguy kịch. Hoảng hốt, chị vứt nắm cỏ trên tay, vội vàng chạy đến bệnh viện.

Vừa đến phòng cấp cứu, chị khựng lại, tay chân run lẩy bẩy khi nhìn thấy 6 bác sĩ, y tá đang cứu chữa cho chồng. Xung quanh, nhiều người bàn tán, cho rằng nọc rắn hổ mang là cực độc, khó cứu chữa, chắc không qua khỏi.

Còn các bác sĩ nói với chị khả năng sống sót của anh rất thấp, chỉ khoảng 20%. "Nghe vậy thôi tôi bàng hoàng, rụng rời chân tay, chỉ biết khóc", chị Tuổi nói.

Chị Bùi Thị Ngọc Tuổi kể lại chuyện chồng bị rắn độc cắn, tại hàng lang Bệnh viện Chợ Rẫy chiều 21/8. Ảnh: Hà An.
Chị Bùi Thị Ngọc Tuổi kể lại chuyện chồng bị rắn độc cắn, tại hàng lang Bệnh viện Chợ Rẫy chiều 21/8. Ảnh: Hà An.

Kể về lý do chồng bắt rắn, chị Tuổi cho biết, do hoàn cảnh khó khăn, nên chồng muốn có thêm thu nhập phụ vợ nuôi hai con nhỏ 9 và 2 tuổi rưỡi đang tuổi đi học. Anh Tâm làm nghề phụ hồ, nhưng bị gãy chân trái trong vụ tai nạn giao thông hồi đầu năm.

Sau khi phẫu thuật, ra viện, anh không làm được việc nặng, chỉ ở nhà chăm con. Chị Tuổi một mình làm thuê cáng đáng kinh tế cho cả gia đình. Thu nhập bấp bênh, mỗi ngày chị kiếm chừng 100.000-150.000 đồng nuôi ba miệng ăn.

Hơn bốn tháng trước, vợ chồng chị cất căn nhà cấp 4 ở xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu sau nhiều năm ki cóp, bôn ba làm thuê, không có chỗ ở cố định. Con trai lớn sống với ông bà ngoại cách đó vài chục km phải chuyển trường. Chị Tuổi mới cắt học bạ con trai từ trường cũ và chưa nộp cho trường mới vì chưa có tiền. Anh Tâm muốn đỡ đần vợ nên đánh liều bắt rắn, bán lấy tiền đóng học phí cho con.

"Sáng nay thấy anh tỉnh táo, nắm được tay tôi mà mừng rớt nước mắt. Giờ chỉ cầu mong anh sớm mạnh khỏe, về nhà phụ giúp tôi chăm hai con", chị Tuổi nói.

Hổ mang chúa có tên khoa học Ophiophagus hannah, thuộc họ Elapidae (họ rắn hổ) phân bố chủ yếu trong các vùng rừng nhiệt đới từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Đây là loài rắn độc dài nhất thế giới, với chiều dài tối đa khoảng 7 m. Hổ mang chúa được đánh giá là loài nguy hiểm vì nọc cực độc mặc dù loài rắn này không chủ động tấn công con người.

Hổ mang chúa đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức nguy cấp, quý hiếm nhóm 1B quy định tại Nghị định 32/2006 của Chính phủ, hiện còn rất ít ngoài tự nhiên do bị săn bắt và buôn bán trái phép.

Theo danviet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ