Nếu tổ chức tốt thử nghiệm giai đoạn 3, vắc xin COVID-19 của VN sẽ sớm được sử dụng

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, nếu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được tổ chức tốt để thực hiện so sánh với các vắc xin đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam thì thời gian tới Việt Nam sớm có vắc xin sản xuất trong nước.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về hợp tác quốc tế thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng SARS-CoV-2, các chuyên gia, nhà khoa học nhận định, tình hình dịch bệnh hiện nay khác với đánh giá vào năm 2020.

Các nước đã bắt đầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 thuộc loại được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc do từng nước cấp phép; có loại vắc xin thực chất đang được thử nghiệm ở giai đoạn 3 trên diện rộng.

Vì thế, WHO đang thảo luận và dự kiến sẽ có hướng dẫn chính thức về thử nghiệm vắc xin trên nguyên tắc "so sánh với các vắc xin đã được cấp phép để được sử dụng chính thức", tạo thuận lợi cho việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở trong nước.

Đại diện Bộ Y tế lý giải thêm, ngay từ những đầu, việc tiêm vắc xin AstraZeneca trong nước đã được triển khai thận trọng, bảo đảm an toàn, kết hợp theo dõi thông tin tiêm chủng trên hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân. Đây còn là bước chuẩn bị cấp “hộ chiếu vắc xin;” tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, so sánh vắc xin sản xuất trong nước của Việt Nam và vắc xin AstraZeneca.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao khẳng định, cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tối đa các đơn vị khi tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 ở nước ngoài.

Các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học khẳng định, Việt Nam đã có bước tiến dài trong nghiên cứu, phát triển vắc xin. Nếu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được tổ chức tốt để thực hiện so sánh với các vắc xin đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam thì trong thời gian tới Việt Nam sẽ sớm có vắc xin sản xuất trong nước.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực của các Bộ Y tế, Khoa học và Công nghệ, đặc biệt là các đơn vị nghiên cứu, phát triển vắc xin thời gian qua đã nỗ lực nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng COVID-19 trong nước, thực hiện theo đúng với tinh thần “chống dịch như chống giặc".

Tuy nhiên, việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước cần tiếp tục thực hiện khẩn trương hơn nữa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ sau cuộc họp với Học viện Quân y về tiến độ nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước trước đó, các đơn vị đã rút ngắn thời gian thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của vắc xin Nano Covax từ 6 tháng xuống 3 tháng.

Phương án dự kiến của giai đoạn 3 sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian để cuối quý 3, đầu quý 4/2021, Việt Nam sẽ có vắc xin sản xuất trong nước.

Phó Thủ tướng nhắc lại nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học rằng SARS-CoV-2 có thể có những biến đổi, tiếp tục tồn tại một số năm nữa. Do đó, nhiều khả năng các vắc xin phòng COVID-19 đều phải tiêm nhắc lại, không chỉ tiêm 1 đợt hay 1 năm.

Với hơn 100 triệu dân, Việt Nam phải có giải pháp để sản xuất vắc xin trong nước, không chỉ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 mà còn chuẩn bị để ứng phó đối với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.

Việc phát triển thành công vắc xin trong nước cũng khẳng định năng lực, niềm tự hào của đội ngũ khoa học y tế Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...
Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".