Mụn trứng cá có phải do nóng gan không?

GD&TĐ - Một số yếu tố khác cũng gây mụn trứng cá: stress, lo lắng thi cử, thức khuya; hóa chất, khoáng chất, iod, brôm…; một số thuốc như: nhóm corticoid (prednisone, kenacort, dexamethasone…), thuốc chống lao INH, vitamin B12, thuốc ngừa thai…

Mụn trứng cá có phải do nóng gan không?

Hỏi: Em năm nay 18 tuổi, mặt nổi nhiều mụn trứng, ngày càng nặng, nghe nói bệnh do nóng gan, nhưng đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu, bảo mụn trứng cá là bệnh của da không do nóng gan như nhiều người thường bảo. Vậy rất mong bác sĩ giúp em hiểu rõ điều này?

(Hoàng Minh Tiến - Cần Thơ)

Trả lời: Mụn hiện vẫn là vấn đề y khoa phổ biến, với nhiều quan điểm khác nhau, trong dân gian thường cho bệnh lý trên là do nóng gan, quan điểm y học hiện đại thì cho bệnh lý trên là bệnh lý ngoài da. Vậy vấn đề trên được lý giải như thế nào?

    Ở điều kiện sinh lý bình thường, gan là một nội tạng, giữ vai trò hết sức quan trọng đối với cơ thể, với chức năng hoạt hóa các vitamin, cân bằng hormone, xử lý hóa học các chất như đường, mỡ và protein tổng hợp chúng lại thành các chất axít amin để duy trì hoạt động của cơ thể. Trong quá trình này, có những độc chất không mong muốn được sinh ra, nên gan phải chuyển hóa các chất độc đó thành dạng vô hại rồi đào thải ra ngoài qua phân, qua nước tiểu và qua mồ hôi; khi chức năng gan giảm sút cũng ảnh hưởng đến quá trình đào thải các độc chất của cơ thể. Theo quan điểm của y học cổ truyền, chức năng gan kém sẽ kéo theo thận phải làm việc nhiều hơn bình thường để bài tiết chất độcra khỏi cơ thể; khi cả chức năng tiêu độc và bài tiết của hai bộ phận này suy yếu cộng với sức khỏe giảm sút, cơ thể dễ dàng bị phong (gió), nhiệt (nóng), thấp (ứ nước) sẽ gây ra trứng cá, mụn nhọt, mày đay, u bã đậu, lở ngứa, dị ứng. Còn theo y học hiện đại thì mụn, nhọt, sạm da là bệnh lý ngoài da, không liên quan gì đến bệnh lý của gan.

    Mụn mụn trứng cá là bệnh lý của nang lông tuyến bã, có tên khoa học thường gọi là Acne Vulgaris, biểu hiện của tình trạng viêm ở hệ thống nang lông và tuyến bã, thường gặp và chiếm khoảng 90% ở lứa tuổi thanh - thiếu niên. Diễn tiến bệnh thường khỏi tự nhiên trong đa số trường hợp, nam kéo dài khoảng trước tuổi 25 và nữ khoảng trước tuổi 30. Về nguyên nhân, mụn trứng cá phát triển khi tuyến bã của cơ thể sản xuất quá nhiều chất nhờn; chất nhờn này kết hợp với tế bào của tuyến bã và làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Khoa học đã chứng minh được mụn trứng cá là hậu quả của việc cơ thể sản xuất ra quá nhiều chất nhờn, nhưng vẫn chưa lý giải được lý do tại sao cơ thể lại sản xuất lượng chất nhờn nhiều như vậy; có thể do các nguyên nhân như do hoóc-môn, do yếu tố di truyền hay do vi khuẩn…

    Mụn trứng cá không tự phát sinh bởi thực phẩm mà bệnh nhân sử dụng, nhưng thực phẩm cũng là yếu tố thuận lợi thúc đẩy cho mụn trứng cá phát triển như sử dụng các loại thức ăn có nhiều đường, chất béo, như: chè, bánh ngọt, chocolat, sầu riêng, xoài… Một số yếu tố khác cũng gây mụn trứng cá: stress, lo lắng thi cử, thức khuya; hóa chất, khoáng chất, iod, brôm…; một số thuốc như: nhóm corticoid (prednisone, kenacort, dexamethasone…), thuốc chống lao INH, vitamin B12, thuốc ngừa thai…

    Tóm lại, nói đến tình trạng nóng gan gây nên mụn trứng cá thì nên hiểu đây là theo quan niệm của y học cổ truyền, còn theo y học hiện đại thì khôngcó bệnh nào gọi là nóng gan; còn mụn trứng cá thuộc bệnh lý ở da, không liên quan gì đến gan.

    Theo Sức khỏe và đời sống

    Tin tiêu điểm

    Đừng bỏ lỡ