Hà Nội: Đẩy mạnh công tác phòng chống sởi

GD&TĐ - Dịch sởi đang lan rộng tại nhiều nước trên thế giới với 41.000 người mắc sởi (theo con số thống kê của Tổ chức Y thế Thế giới trong 6 tháng đầu năm 2018). Tại Việt Nam, các chuyên gia cũng dự báo dịch sởi có thể gia tăng vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019 theo chu kỳ dịch sởi sau 4 năm kể từ năm 2014. Thành phố Hà Nội đã có nhiều biện pháp tích cực để hạn chế tối đa việc sởi có thể lây lan trên diện rộng và bùng phát thành dịch nhất là khi năm học mới đã bắt đầu.

Cán bộ chuyên trách y tế học đường và học sinh Trường THCS Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trong một buổi tuyên truyền dịch phòng chống dịch bệnh và kỹ năng sơ cứu vết thương
Cán bộ chuyên trách y tế học đường và học sinh Trường THCS Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trong một buổi tuyên truyền dịch phòng chống dịch bệnh và kỹ năng sơ cứu vết thương

Theo Cổng thông tin điện tử Sở Y tế Hà Nội, tại buổi giao ban báo chí ngày 14/8 của Thành ủy Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 315 trường hợp mắc sởi.

Bệnh tản phát không thành ổ dịch và tập trung rải rác tại 183 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Các quận, huyện có số người mắc sởi cao là Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông… Đa số bệnh nhân sởi là trẻ em chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin phòng sởi hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng sởi theo quy định.

Ngày 17/8/2018, Thành ủy Hà Nội ban hành Thông báo số 1513-TB/TU, truyền đạt kết luận của thường trực Thành ủy về tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn thành phố cũng như đồng ý chủ trương chi kinh phí phối kết hợp với kinh phí hỗ trợ từ Bộ Y tế để mua vắc xin, vật tư tiêm chủng và kinh phí triển khai thực hiện chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella.

Thành phố cũng chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền và các biện pháp phòng, chống sởi trong khu dân cư và đặc biệt lưu ý sự phối kết hợp chặt chẽ giữa y tế trường học với các cơ quan liên ngành để rà soát, tiêm chủng bổ sung cũng như phát hiện học sinh mắc bệnh và có biện pháp điều trị cách ly kịp thời tránh lây lan ra nhiều học sinh khác khi năm học mới đã bắt đầu.

Trạm trưởng Trạm Y tế Phường Xuân La, quận Tây Hồ, Trần Thị Minh Lý cho biết, công tác phòng chống dịch của học sinh gắn với công tác học đường có chương trình riêng được triển khai thường xuyên hàng năm.

Đầu tháng 7 năm nay,Trung tâm Y tế quận Tây Hồ cũng tổ chức nhiều buổi tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo mùa trong đó có bệnh sởi cho đại diện Phòng Giáo dục, Ban Giám hiệu và cán bộ chuyên trách về Y tế học đường trong các trường THPT, THCS, tiểu học và mầm non trên địa bàn quận tham gia.

Thực hiện theo kế hoạch, Trạm Y tế Phường Xuân La đã phối hợp với các trường tiến hành rà soát danh sách học sinh đã tham gia tiêm đủ 2 mũi phòng sởi và học sinh chưa tham gia đầy đủ 2 mũi phòng sởi để có kế hoạch tiêm bổ sung theo kế hoạch chung của thành phố.

“Y tế học đường trong các trường học đã giúp đỡ trạm y tế phường, trung tâm y tế quận rất nhiều trong công tác chăm sóc sức khỏe. Qua điện thoại, email, chúng tôi gửi tài liệu, chương trình, kế hoạch cho các trường học để triển khai nhiệm vụ và kịp thời nắm bắt về số lượng học sinh, điều tra tình hình khi có dịch bệnh để khoanh vùng, cách ly kịp thời và báo cáo về trung tâm y tế quận xin chỉ đạo và triển khai công tác dập dịch nếu có” - bà Minh Lý cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ