Giải quyết nỗi lo khi trẻ vào mùa "bệnh vặt"

GD&TĐ - Theo các bác sĩ, môi trường lớp học đông và phức tạp khiến trẻ có thể lây bệnh từ bạn bè. Ngoài ra, thời tiết thất thường cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ ốm. Song, điều cốt lõi là do sức đề kháng của trẻ yếu.

Phụ huynh nên phòng sốt xuất huyết và tay chân miệng ở trẻ, thay vì quá lo lắng về bệnh vặt.
Phụ huynh nên phòng sốt xuất huyết và tay chân miệng ở trẻ, thay vì quá lo lắng về bệnh vặt.

Thời điểm trẻ dễ ốm

Gần đây, không ít phụ huynh bày tỏ quan ngại khi trẻ bị sổ mũi, hắt hơi. Trên các diễn đàn chăm sóc trẻ, một số phụ huynh chia sẻ, từ khi trẻ trở lại trường, bé hay ốm vặt. Trong khi đó, một số phụ huynh cho biết, suốt 2 năm ở nhà, dù “lăn lê bò toài”, nhưng trẻ không hề ốm.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), thời điểm này là “mùa bệnh vặt” đối với trẻ em. Thông thường, trẻ sẽ bị bệnh theo mùa, theo các mốc tuổi.

Hoặc, trẻ cũng có thể bị các bệnh vặt khi ra ngoài xã hội, tới trường học. Trong đó, với các bệnh theo mùa, bác sĩ Khanh cho biết, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm tiểu phế quản là “đến hẹn lại lên”. Do đó, điều quan trọng là phụ huynh cần biết cách phòng ngừa, cũng như theo dõi khi trẻ mắc bệnh.

Chuyên gia này cho rằng, với các loại bệnh vặt khác, trẻ sẽ tự ổn định. Sau khi hòa nhập, tình trạng trẻ nôn và tiêu chảy tăng. Song, bác sĩ Khanh nhận định, tình trạng này sẽ tự ổn định.

Chuyên gia lưu ý, nếu liên quan đến viêm gan bí ẩn, trẻ sẽ bị vàng da. Vì vậy, các phụ huynh cần bình tĩnh, không nên quá lo lắng. Điều quan trọng là phòng sốt xuất huyết và tay chân miệng ở trẻ.

Trong khi đó, bác sĩ Phí Văn Công - Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) - cho rằng, trẻ mầm non bắt đầu đi học lại vào thời điểm thời tiết ẩm ương, thay đổi nhanh. Gần 2 năm ở nhà, sau khi trở lại trường, nhiều trẻ ốm và lây bệnh cho nhau.

Chủ yếu trẻ mắc viêm đường hô hấp trên, hắt hơi, chảy mũi, ho. Do đó, bác sĩ Công khuyến cáo, cha mẹ cần chú ý vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Đồng thời, cho con ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ và nên tránh những nơi đông người, nhiều gió, nhiều bụi.

Lấp đầy “khoảng trống miễn dịch”

Theo bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội), thời gian gần đây, nhiều phụ huynh lo lắng khi trẻ vừa đi học một thời gian đã ốm, trong khi ở nhà khỏe mạnh.

Theo bác sĩ Cường, lý do là vì môi trường lớp học đông và phức tạp. Do đó, trẻ có thể lây bệnh từ bạn bè. Ngoài ra, thời tiết thất thường cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ ốm. Song, điều cốt lõi là do sức đề kháng của trẻ yếu.

“Trẻ nhỏ hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện. Có nhiều “khoảng trống miễn dịch” cần lấp đầy nên dễ bị các loại virus, vi khuẩn tấn công, gây hàng loạt bệnh vặt: Hết sổ mũi, đi ngoài, nôn trớ lại đến ho, sốt… Nhiều trẻ ốm vặt liên miên, tháng nào cũng ốm”, bác sĩ Cường chia sẻ.

Song, chuyên gia cho biết, các phụ huynh không cần lo lắng. Điều quan trọng là các phụ huynh cần biết rằng, sức đề kháng của con là tổng hòa của nhiều yếu tố, từ “thể chất đến tinh thần”. Để trẻ có đề kháng khỏe, ít ốm vặt, trước hết, bé cần có chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh.

Theo bác sĩ Cường, cha mẹ cần cho trẻ có ít nhất 1 bữa ăn đa dạng trong ngày, đủ 4 nhóm dưỡng chất: Tinh bột (cơm, cháo, bánh mì, khoai…), chất đạm (thịt bò, gà, lợn, cá, trứng, sữa…), chất béo (dầu ăn, mỡ, các loại hạt…), vitamin và khoáng chất (trái cây, rau củ).

Trong khi đó, trẻ sơ sinh dưới 24 tháng cần được bú sữa mẹ. Trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để nhận được kháng thể, tạo miễn dịch thụ động.

“Trẻ trên 6 tháng khuyến khích ăn đủ 5 loại màu sắc theo nguyên tắc ăn dặm và uống thêm sữa công thức hằng ngày. Trẻ lớn hơn thì uống nhiều nước, sinh tố (vì giàu vitamin tự nhiên), bớt uống nước ngọt, nước có ga. Cho trẻ ăn nhiều rau xanh và uống nhiều nước giúp bớt táo bón. Bổ sung các bữa phụ đủ đạm, lipid”, chuyên gia khuyến cáo.

Ngoài ra, trẻ cũng cần có chế độ sinh hoạt hợp lý để tăng đề kháng. Theo bác sĩ Cường, ngủ là thời gian để cơ thể phục hồi giúp trẻ tăng cường đề kháng tự nhiên. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có thể cho trẻ vận động nhiều hơn. Ví dụ, trẻ nhỏ thì bò, lớn thì đi, lớn hơn có thể đạp xe… Bé cũng có thể học thêm kỹ năng như: Vẽ, ngoại ngữ, nhảy múa, ca hát. Bởi, đó cũng là cách giúp trẻ phát triển tốt về tinh thần.

“Để hệ miễn dịch khỏe, cần có các nguyên liệu là những vi khoáng chất cần thiết như: Vitamin A, vitamin C, vitamin D, sắt, kẽm, selen... Gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy, hợp chất Beta-glucan giúp kích thích các tế bào miễn dịch hoạt động, tăng đề kháng. Từ đó, làm giảm tỷ lệ ốm bệnh ở trẻ”, bác sĩ Cường cho biết.

Do đó, bác sĩ Cường khuyến cáo, phụ huynh có thể chọn sản phẩm có các yếu tố đó. Điều quan trọng phụ huynh cần nhớ là, xây dựng đề kháng cho con cần một quá trình dài, phối hợp nhiều yếu tố từ dinh dưỡng, vận động, ngủ nghỉ. Nhờ đó, giúp trẻ khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.