Đẩy mạnh chăm sóc trẻ nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng

Đẩy mạnh chăm sóc trẻ nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng

Khoảng trống từ sự kỳ thị của cộng đồng

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), năm 2018, cả nước có khoảng 21.000 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trong đó có 6.800 trẻ bị nhiễm căn bệnh này. Trong đó, có khoảng 5.000 trẻ nhiễm HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc ARV, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2009. Cả nước có 345 cơ sở điều trị HIV/AIDS cho trẻ em, trong đó có 70 cơ sở tuyến tỉnh và 275 cơ sở tuyến huyện.

Việc điều trị cho trẻ nhiễm HIV trong những năm qua đã có những kết quả nhất định. Đến nay, đã có 70% số trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được hỗ trợ đầy đủ các dịch vụ theo nhu cầu như: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hỗ trợ tâm lý, dinh dưỡng, hưởng chính sách hỗ trợ, xét nghiệm, chẩn đoán sớm nhiễm HIV cho trẻ dưới 18 tháng tuổi.

Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho biết, qua nghiên cứu, rà soát các chính sách hiện hành về trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV cho thấy vẫn còn nhiều khoảng trống. Theo đó, các chính sách đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc quan tâm đối với những em thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Vẫn còn sự kỳ thị và phân biệt đối xử, đối với trẻ nhiễm HIV/AIDS, nhiều trẻ nhiễm HIV chưa được đến trường... Còn thiếu các chính sách phòng ngừa HIV đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao như trẻ em sử dụng ma túy, trẻ sống trong các cơ sở trợ giúp, trẻ là con của người mua dâm, bán dâm, sử dụng ma túy...

Một trong những vướng mắc khiến cho nỗ lực giúp đỡ trẻ nhiễm HIV gặp khó khăn là thái độ kỳ thị trong cộng đồng còn cao. Thái độ của cộng đồng đối với trẻ em nhiễm HIV/AIDS hầu hết đều tiêu cực, thể hiện trực tiếp qua ngôn từ, lời nói mang tính giễu cợt, nguyền rủa, phân biệt đối xử.

Trẻ bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS thường phải sống trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chịu thiệt thòi trong học tập, chăm sóc y tế, bị phân biệt đối xử và nhận thức của trẻ về HIV/AIDS cũng rất hạn chế nên thường cảm thấy buồn tủi, chán nản, sống khép mình. Các em có nguyện vọng được tiếp tục sống cùng gia đình và người thân, được người lớn bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng và được điều trị khi ốm đau như mọi đứa trẻ khác.

Tăng cường biện pháp chăm sóc

Cùng với việc chăm sóc trẻ tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS, trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi virus HIV cũng cần được quan tâm chăm sóc khi sống cùng gia đình, cộng đồng và tại các cơ sở bảo trợ. Các nhóm đồng đẳng hỗ trợ người nhiễm HIV cần đặt trẻ em làm đối tượng chăm sóc nâng cao để giúp thúc đẩy chẩn đoán sớm, hướng dẫn chăm sóc, điều trị cho trẻ bị nhiễm HIV ngay từ giai đoạn đầu. Bộ Y tế cũng đã có quyết định về việc hướng dẫn chăm sóc trẻ tại gia đình và cộng đồng.

Theo đó, trẻ cần được đảm bảo nguồn dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ dưỡng chất, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ hằng ngày và được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Do trẻ nhiễm HIV có hệ thống miễn dịch suy giảm nên nguy cơ mắc bệnh cao hơn trẻ khác. Khi trẻ mắc bệnh thì diễn biến trầm trọng hơn. Do đó, trẻ cần được khám bệnh kịp thời với các triệu chứng ho, sốt, khó thở, chán ăn, gầy sút nhanh…

Hàng tháng, cần cho trẻ kiểm tra sức khỏe, khám bệnh và xét nghiệm để phát hiện và điều trị dự phòng các biểu hiện sớm của nhiễm trùng cơ hội. Trẻ nhiễm HIV cần được ngủ nhiều, có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn so với trẻ bình thường khác. Người thân nên dành nhiều thời gian để chơi, nói chuyện, ôm ấp trẻ, giúp các trẻ có đời sống tình cảm đầy đủ, ấm áp.

Ngoài ra, người chăm sóc và vệ sinh cho trẻ phải được huấn luyện cách phòng lây nhiễm HIV/AIDS như: Xử lý các dịch tiết hoặc máu bị dây bẩn, vệ sinh quần áo trẻ (ngâm trong nước javen hoặc luộc sôi trước khi giặt), sử dụng găng tay, áo choàng, khẩu trang... khi tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của trẻ, đặc biệt là khi thay răng sữa (nhổ răng) hoặc bị các vết thương chảy máu…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ