Cứu sống bệnh nhân ngưng tuần hoàn hô hấp, hôn mê chỉ còn 1% cơ hội sống

GD&TĐ - Ngày 10/4/2019, anh Võ Thanh T., 40 tuổi, đang làm việc thì đột ngột ngưng thở, tím tái, được gia đình đưa đến Bệnh viện huyện Cờ Đỏ cấp cứu trong tình trạng ngừng tuần hoàn, hô hấp trước khi đến bệnh viện, tím tái toàn thân. 

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân

Người bệnh hết sức nguy kịch

Tại đây, các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành cấp cứu hồi sinh tim phổi: ấn tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản bóp bóng hỗ trợ hô hấp, sử dụng các thuốc chuyên biệt như: Adrenalin, thuốc chống toan...

Sau hơn 50 phút cấp cứu tích cực, shock điện nhiều lần, tim có dấu hiệu hoạt động trở lại nhưng rối loạn nhịp tim dạng rung thất. Các bác sĩ cố gắng duy trì nhịp tim, huyết áp đồng thời khẩn trương chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị.

Tình trạng lúc nhập viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ bệnh nhân rất nặng: hôn mê, thở máy, phải sử dụng thuốc vận mạch liều cao để duy trì huyết áp. Nhận định đây là trường hợp nhồi máu cơ tim cấp biến chứng rung thất, ngừng tuần hoàn, hô hâp. Ê-kíp cấp cứu đã rất khẩn trương tiến hành hồi sức chuyên sâu đồng thời tiến hành hội chẩn cấp bệnh viện, Ban Giám đốc đã chỉ đạo: về mặt chuyên môn cố gắng hết sức cứu chữa cho bệnh nhân, nhanh nhất và tốt nhất có thể.

Th.Bs. Trần Văn Triệu, Bs. CKI. Nguyễn Văn Nhiệm cùng ê–kíp Tim mạch can thiệp nhanh chóng tiến hành chụp DSA kiểm tra vị trí mạch máu tim bị tắc để tiến hành xử trí.

Kết quả bệnh nhân bị tắc hoàn toàn đoạn giữa nhánh động mạch liên thất trước (LAD II) do huyết khối và mảng xơ vữa. Kỹ thuật hút huyết khối và can thiệp đặt stent tái thông mạch vành được thực hiện thành công sau hơn 30 phút.

Tuy nhiên, sau can thiệp tái thông mạch vành tình trạng tri giác của bệnh nhân tiến triển chậm, sinh hiệu tạm thời ổn định. Bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để tiếp tục điều trị nội khoa, chăm sóc và theo dõi tích cực.

Tận tâm với người bệnh

Chi phí lúc này của bệnh nhân lên đến gần 80 triệu đồng, gia đình rất khó khăn, anh là lao động chính với nghề làm thuê và không có bảo hiểm y tế. Ban Giám đốc tiếp tục chỉ đạo Phòng Công tác xã hội liên hệ mạnh thường quân hỗ trợ, tiếp sức về chi phí cho bệnh nhân trong tiến trình hồi phục.

Rất may, khi biết được hoàn cảnh quá khó khăn của anh và gia đình, chúng tôi đã liên kết được mạnh thường quân hỗ trợ gần như toàn bộ chi phí điều trị.

Qua 5 ngày hồi sức tích cực, hiện tại bệnh nhân tỉnh, tự thở qua mũi, đã ngưng thuốc vận mạch, sinh hiệu ổn định và đang được điều trị tại khoa Tim mạch can thiệp bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới khi tình trạng sức khỏe hoàn toàn hồi phục.

Bs.CKII. Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc cho biết: bệnh nhân ngưng tim ngoài bệnh viện cần tối ưu hóa và phối hợp các chuyên khoa: Hồi sức tim phổi, điều trị sau hồi sức tim phổi, đặc biệt là tái thông mạch vành khẩn nếu bệnh nhân có nhồi máu cơ tim.

Vì đây là nhóm bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Chính vì vậy, trong một số trường hợp các bác sĩ khi khám lâm sàng cần đánh giá nhanh và chính xác các chỉ định trong xử trí. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố tạo nên thành công cứu sống bệnh nhân là được cấp cứu nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả của tuyến trước.

Người nhà bệnh nhân cho biết: Khi đến bệnh viện Cờ Đỏ cấp cứu các bác sĩ giải thích trường hợp của anh T rất nặng, cơ hội sống chỉ khoảng 1%, gia đình vô cùng lo lắng và khi đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, được giải thích về tình trạng bệnh cũng như phương pháp điều trị là cần can thiệp mạch vành cấp cứu thì gia đình gần như muốn buông xuôi vì chi phí quá lớn. Trân trọng cảm ơn các y bác sĩ bệnh viện cũng như các mạnh thường quân đã giúp cho bệnh nhân hồi sinh cũng như cứu cả gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ