Có nên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em?

GD&TĐ - Theo các chuyên gia y tế, trong điều kiện khan hiếm vắc-xin ngừa Covid-19, nên ưu tiên chủng ngừa cho người lớn tuổi và có bệnh lý nền.

Việt Nam đã đàm phán mua 20 triệu liều vắc-xin Pfizer tiêm cho trẻ từ 12 - 18 tuổi. Ảnh minh họa.
Việt Nam đã đàm phán mua 20 triệu liều vắc-xin Pfizer tiêm cho trẻ từ 12 - 18 tuổi. Ảnh minh họa.

Trong trường hợp tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ em, tính an toàn được cho là vấn đề cần chú trọng nhất.

Nguy cơ truyền bệnh 

Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 liên tục biến chủng, một số quốc gia đã triển khai chủng ngừa Covid-19 cho trẻ em. Tuy nhiên, trước đó, theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện, vắc-xin còn hạn chế. Do đó, tập trung tiêm chủng cho nhóm ưu tiên theo Nghị quyết 21 và người từ 18 tuổi trở lên.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Chuyên gia dịch tễ, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, trẻ em mắc Covid-19 thường không bị nặng. Ngoài ra, trẻ càng nhỏ sẽ bị bệnh càng nhẹ và nhanh hồi phục. Chuyên gia này dẫn chứng, phần lớn trẻ em tại các quốc gia khác trên thế giới cũng mắc bệnh Covid-19 nhẹ.

Chia sẻ về vấn đề trẻ em tiêm chủng ngừa Covid-19, bác sĩ Khanh nhận định, trẻ sẽ bị rất nhẹ trong trường hợp được vắc-xin bảo vệ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong trường hợp mắc Covid-19 nhưng không được phát hiện, trẻ có thể lây sang người lớn tuổi chưa được chủng ngừa.

Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể lây lan virus sang người có nguy cơ bệnh nặng và chưa được tiêm vắc-xin. Do đó, bác sĩ Khanh cho rằng, điều quan trọng là tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lớn tuổi và nhóm nguy cơ.  

Nên tiêm cho trẻ nguy cơ cao?

Giữa tháng 7, Bộ Y tế đã đàm phán với hãng Pfizer và làm thủ tục ký cam kết mua thêm 20 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 tiêm cho trẻ em Việt Nam từ 12 - 18 tuổi. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này. 
Trước đó, Bộ Y tế đã ký thoả thuận mua 31 triệu liều vắc-xin Pfizer phòng Covid-19. Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong quý IV năm nay, khoảng 47 - 50 triệu liều vắc-xin này sẽ về Việt Nam.

Trong khi đó, Giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia) cho biết, hiện, có 2 vắc-xin được thử nghiệm trên trẻ em là Pfizer và Moderna. Cả hai nghiên cứu đều cho ra kết quả có khả quan khi hiệu quả vắc-xin là 100%.

Chuyên gia này dẫn chứng, nghiên cứu của vắc-xin Pfizer thử nghiệm trên 2.260 trẻ em (tuổi từ 12 - 15). Khoảng 1/2 trẻ được tiêm 2 liều vắc-xin Pfizer (cách nhau 21 ngày) và nửa còn lại tiêm giả dược.

Kết quả cho thấy, không có trường hợp nào nhiễm bệnh ở nhóm tiêm vắc-xin. Trong khi đó, số ca nhiễm ở nhóm chứng là 16 (1,6%).

Nghiên cứu về vắc-xin Moderna cũng đã thử nghiệm trên 3.732 trẻ em (tuổi từ 12 - 17). Trong số này, có 2.489 trẻ được tiêm vắc-xin Moderna và 1.243 người trong nhóm giả dược. Kết quả là, không có trường hợp mắc Covid-19 ở nhóm tiêm vắc-xin. Số ca nhiễm ở nhóm chứng là 4.

“Hiện nay, Việt Nam cũng có bàn luận quanh câu hỏi tiêm vắc-xin cho trẻ em. Ở TPHCM, đã có có đề nghị tiêm vắc-xin cho hơn 642.000 học sinh, nhưng chưa rõ ở độ tuổi nào. Tôi nghĩ cần phải xem xét cẩn thận đề nghị này. Trong điều kiện khan hiếm vắc-xin, nên ưu tiên cho người lớn hơn là trẻ em”, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhận định.

Trong trường hợp tiêm vắc-xin cho trẻ em, chuyên gia này cho rằng, Việt Nam nên làm theo cách của Anh. Cụ thể, chỉ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho những trẻ có vấn đề về sức khoẻ.

Trong đó, bao gồm những trẻ có hệ thống miễn dịch yếu (như tiểu đường loại I, lupus, tiền sử bệnh dị ứng), bị nhiễm RSV (virus hợp bào hô hấp), viêm phổi, suyễn... Về độ tuổi tiêm vắc-xin, Giáo sư Tuấn dẫn chứng, theo một nghiên cứu ở Nga, trẻ từ 6 - 18 tuổi là nhóm có nguy cơ cao.

“Vấn đề đáng quan tâm khi quyết định tiêm vắc-xin cho trẻ em là tính an toàn. Hiện nay, theo các báo cáo thử nghiệm lâm sàng, cả hai vắc-xin Pfizer và Moderna đều rất an toàn, không có triệu chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, hai nghiên cứu này chỉ theo dõi trẻ em trong 4 - 6 tuần, nên chưa đủ thời gian để đánh giá sự an toàn của vắc-xin ở trẻ em”, chuyên gia nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ