Chiều nay, Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới

GD&TĐ - Việt Nam hiện có 1.207 bệnh nhân; Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết không có ca mắc mới. Trên thế giới, một loạt quốc gia thông báo tăng cường các biện pháp phong tỏa tại một số vùng.

Châu Âu tiếp tục gia tăng các biện pháp chống dịch COVID-19.
Châu Âu tiếp tục gia tăng các biện pháp chống dịch COVID-19.

Bản tin 18h ngày 5/11 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết không có ca mắc mới. Việt Nam hiện có 1.207 bệnh nhân.

Trên thế giới, tình hình dịch COVID-19 tại châu Âu chưa có dấu hiệu thuyên giảm.Theo đó ngày 4/11 một loạt quốc gia thông báo áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm hoặc tăng cường các biện pháp phong tỏa tại một số vùng.

Số ca mắc ở Việt Nam:

- Tính đến 18h ngày 05/11: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.

- Tính từ 6h đến 18h ngày 05/11: 0 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Đến hôm nay Việt Nam đã trải qua 64 ngày không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng.

Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã 79 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.

Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, đã 96 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 15.137, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 196

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 13.959

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 982

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban- Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.069 bệnh nhân/1.207 bệnh nhân COVID-19.

Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 18ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 7 ca, số ca âm tính lần 3 là 5 ca.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Tình hình dịch viêm đường hô hấp COVID-19 tại châu Âu chưa có dấu hiệu thuyên giảm, theo đó ngày 4/11 một loạt quốc gia thông báo áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm hoặc tăng cường các biện pháp phong tỏa tại một số vùng.

Sau Italy, Pháp và một số nước, ngày 4/11, Cyprus thông báo sẽ áp đặt giới nghiêm ban đêm và một số biện pháp khác nhằm kiểm soát tình trạng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tăng đột biến trong vài ngày qua.

Theo Bộ Y tế nước này, sau một thời gian duy trì số ca mắc mới COVID-19 thấp trong mùa Hè, quốc gia nằm ở Đông Địa Trung Hải này đang phải chứng kiến làn sóng dịch thứ hai khi số ca nhiễm liên tục tăng lên mức kỷ lục 3 con số trong những ngày qua. Trong tổng số hơn 5.100 ca nhiễm, có đến 2/3 được ghi nhận từ đầu tháng 10.

Tại Ba Lan, chính phủ đã thông báo gia tăng các biện pháp chống dịch COVID-19 khi các cơ quan chức năng báo cáo có thêm tới 24.692 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua và 373 ca tử vong.

Theo đó, các cửa hàng sẽ phải hạn chế số lượng khách hàng, trong khi các nhà bán lẻ tại các trung tâm thương mại phải đóng cửa, trừ các hiệu thuốc và siêu thị. Tất cả các trung tâm văn hóa, bao gồm cả rạp chiếu phim và nhà hát, cũng phải đóng cửa.

Tại Tây Ban Nha, mặc dù chính quyền các vùng trong cả nước đã áp đặt những biện pháp để kiểm soát dịch COVID-19 như lệnh giới nghiêm ban đêm cùng nhiều hạn chế khác, song số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục gia tăng trong những ngày qua.

Tây Ban Nha trở thành nước có số ca nhiễm cao thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU), sau Pháp, với hơn 1,2 triệu ca mắc COVID-19, trong đó 36.495 ca tử vong. Trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 18.669 ca mắc mới và 238 ca tử vong.

Đáng lo ngại hơn, áp lực đang đè nặng lên các bệnh viện khi có tới gần 1/3 trong tổng số giường bệnh (khoảng 29%), là bệnh nhân COVID-19.

Theo Theo SKĐS

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ