Cảnh báo dịch viêm cầu thận cấp ở trẻ em

Viêm cầu thận cấp gây ra bởi liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A dễ lây lan và có thể khiến trẻ tử vong.

Cảnh báo dịch viêm cầu thận cấp ở trẻ em

Từ tháng 11-2016 đến tháng 2-2017, tại xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong, Nghệ An) có 20 học sinh (HS) tiểu học và THCS cùng mắc triệu chứng nghi nhiễm bệnh viêm cầu thận cấp. Trong đó có hai anh em ruột đã tử vong. Ngoài ra, các trẻ khác đều phải nhập viện theo dõi.

Có thể lây qua tiếp xúc da

Theo Sở Y tế tỉnh Nghệ An, kết quả xét nghiệm do đoàn của Bộ Y tế tiến hành bước đầu xác định có bảy HS bị viêm cầu thận cấp. Các em còn lại hoặc có triệu chứng chưa rõ ràng hoặc bị nhầm lẫn với các bệnh khác.

Nguyên nhân được cho là do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A theo kết quả 6/8 mẫu máu (năm HS bị viêm cầu thận cấp và ba em nghi ngờ) của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Trong khi đó, kết quả xét nghiệm máu của đoàn công tác Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho thấy 5/10 mẫu máu dương tính với xét nghiệm ASLO - xét nghiệm huyết thanh định lượng kháng thể liên cầu khuẩn.

Theo BS Trần Nguyên Truyền, Phó phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế tỉnh Nghệ An, hiện tại Sở vẫn đang chờ thêm kết quả xét nghiệm mẫu nước từ Viện Sức khỏe môi trường và phát triển bền vững để có kết luận cuối cùng về chất lượng nước, độc chất trong nước tiểu… Được biết do các em bị viêm cầu thận cấp đều sinh hoạt chung trong một khu tập thể, điều kiện vệ sinh kém nên khi bị viêm họng, ghẻ lở, viêm mủ trên da thì liên cầu khuẩn rất dễ lây lan” - BS Truyền nhận định.

Đặc biệt theo thống kê, viêm cầu thận cấp thường xảy ra ở tuổi thiếu niên, 5-15 tuổi, khá ít gặp ở người lớn. Thông thường nguyên nhân của bệnh là do viêm họng do khuẩn, viêm amidan hay nhiễm khuẩn da. Bệnh thường gặp về mùa đông hoặc đông xuân sau viêm họng.

Canh bao dich viem cau than cap o tre em - Anh 1

Các học sinh ở xã Hạnh Dịch được các bác sĩ khám sàng lọc, lấy máu xét nghiệm để tìm liên cầu khuẩn nhóm A. Ảnh: ĐẮC LAM

Suy thận cấp dẫn đến tử vong

ThS-BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Nội thận - Thận nhân tạo, BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết bệnh viêm cầu thận cấp thường xảy ra sau khi nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết bêta nhóm A.

Bệnh khởi đầu bằng viêm họng hoặc viêm da, sau đó vi trùng không tấn công trực tiếp lên thận mà thông qua cơ chế miễn dịch. Nghĩa là vi khuẩn là kháng nguyên (vật lạ so với cơ thể). Khi đó cơ thể sẽ chống đỡ bằng cách sinh ra kháng thể. Kháng thể sẽ kết hợp với kháng nguyên để hình thành phức hợp kháng nguyên kháng thể. Trong điều kiện bình thường hệ miễn dịch loại bỏ phức hợp này và người bệnh sẽ khỏe mạnh. Tuy nhiên, ở một số người bệnh có hệ miễn dịch bị rối loạn, các phức hợp kháng nguyên kháng thể sẽ không bị loại bỏ mà theo máu đến cầu thận, gây ra tổn thương và biểu hiện bệnh.

Theo BS Thảo, lứa tuổi hay mắc bệnh này là trẻ 4-14, ít gặp nhỏ hơn hai tuổi và trên 20 tuổi. Tuy nhiên, viêm cầu thận cấp nếu xảy ra ở người lớn thường nặng hơn trẻ em. Nam gặp nhiều gấp đôi nữ. Bệnh xảy ra lẻ tẻ, đôi khi có thể thành dịch. Bệnh hay gặp ở những nơi kinh tế kém phát triển, đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém hoặc có thể phát tán trong trường học.

Một số triệu chứng như sau khi bị viêm họng: Sốt, đau họng, amidan sưng to, nung mủ 1-2 tuần hoặc viêm da mủ (có nhiều mụn mủ ở một vùng da) 2-3 tuần. Người bệnh bị sưng phù hai mi mắt, phù mặt, có thể lan toàn thân, tiểu ít, nước tiểu sậm màu như nước trà đậm hoặc như màu xá xị, tăng huyết áp thường gặp, có thể tăng huyết áp nặng ảnh hưởng lên thần kinh (lơ mơ, ngủ gà, đau đầu dữ dội, co giật…), khó thở do suy tim. Ở mức độ nặng, người bệnh ho trào bọt hồng, suy hô hấp và tử vong. Một số trường hợp không biểu hiện ra ngoài, chỉ phát hiện tình cờ do xét nghiệm như nước tiểu có nhiều đạm, máu, suy chức năng thận, kháng thể kháng vi khuẩn (ASLO) tăng cao trong máu.

Chẩn đoán sớm sẽ chữa khỏi

Theo ThS-BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo, một số cách phòng, chống bệnh như cải thiện điều kiện vệ sinh, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nếu trẻ bị viêm họng hoặc viêm mủ da không nên tự dùng thuốc mà phải đến khám ở bác sĩ chuyên khoa nhi để tích cực điều trị nhiễm khuẩn ngay từ đầu. Nếu trẻ mắc bệnh cần cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà để tránh lây lan. Nếu trẻ có biểu hiện suy thận như phù, tiểu ít, nước tiểu sậm màu, tăng huyết áp thì phải đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa thận để có điều trị kịp thời tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Tuy nhiên, đa số trường hợp trẻ bị viêm cầu thận cấp đều được chữa khỏi, thông thường 2-6 tuần.

Theo PLO

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ