Căn bệnh được ví như "kẻ giết người thầm lặng": Cứ 30 giây lại có người bị cắt cụt chi

Nhiều trường hợp ban đầu chỉ với các vết xước nhẹ ở tay, chân, cổ ngực nhưng do không điều trị kịp thời dẫn đến nhiễm trùng nặng, lan rộng, có nguy cơ tử vong.

So với cùng kỳ các năm trước, tại BV Nội tiết Trung ương chỉ có 8 đến 14 ca cắt cụt lớn trên nền bệnh đái tháo đường (cắt bàn chân, cẳng chân, đùi, cánh tay...) thì trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 7/2020, số lượng đã lên tới 34 ca.

60- 70% bệnh nhân chưa điều trị đúng cách

Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu được ví như “kẻ giết người thầm lặng”. Theo dự báo vào năm 2040, trên thế giới sẽ có khoảng 642 triệu người (nghĩa là cứ 10 người lớn sẽ có 1 người mắc đái tháo đường).

Mặc dù đây là căn bệnh được ví như “kẻ giết người thầm lặng” nhưng gần một nửa số người đang sống với bệnh đái tháo đường (độ tuổi 20-79) không được chẩn đoán (46,5%). Nhiều người đang sống với bệnh ĐTĐ típ 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh của họ. Đến khi được chẩn đoán, thường đã kèm theo các biến chứng của bệnh.

Tê bì chân tay, nhiễm trùng, hoại tử, phải cắt cụt chi là những hệ quả của biến chứng bàn chân – một trong những biến chứng phổ biến và tàn khốc nhất của bệnh tiểu đường. Cứ 30 giây trôi qua, thế giới lại có một người bị cắt cụt chân.

Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện. Chỉ có 28,9% người bệnh ĐTĐ được quản lý tại cơ sở y tế .

Trong khi đó, theo Hiệp hội Nội Tiết và Đái tháo đường Việt Nam (VADE), tỷ lệ gia tăng đái tháo đường ở Việt Nam đến 200%, thuộc hàng cao nhất thế giới. Ước tính trên cả nước có 7 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Và bệnh đái tháo đường nằm trong 7 nguyên nhân gây chết người hàng đầu ở Việt Nam.

Điều đáng lo ngại theo đại diện Hiệp hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam đưa ra là dù số người mắc cao, nhưng có tới 60-70% chưa điều trị đúng cách.

Trong khi đó, đái tháo đường (tiểu đường) không kiểm soát tốt có thể gây ra nhiều biến chứng cấp tính và mạn tính, đặc biệt là các biến chứng trên hệ thần kinh và mạch máu.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trong khoảng 6 tháng đầu năm 2020, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tăng nặng hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.

Nếu cùng kỳ các năm từ 2017 đến 2019, có 8 đến 14 ca cắt cụt lớn trên nền bệnh đái tháo đường (cắt bàn chân, cẳng chân, đùi, cánh tay...) thì trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 7/2020, số lượng đã lên tới 34 ca.

Theo đánh giá tổng kết của bệnh viện, các ca bệnh nặng phần lớn là bệnh nhân lớn tuổi, không đến khám đúng hẹn, trì hoãn kiểm tra định kỳ do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Kinh hoàng căn bệnh được ví như
Kinh hoàng căn bệnh cứ 30 giây có người cắt cụt chi (Ảnh: BV Nội tiết cung cấp).

Điều trị khó khăn

Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân – Bệnh viện Nội tiết Trung ương, phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện với các vết thương nhiễm trùng, hoại tử rộng.

Nhiều trường hợp ban đầu chỉ với các vết xước nhẹ ở tay, chân, cổ ngực nhưng do không điều trị kịp thời dẫn đến nhiễm trùng nặng, lan rộng, có nguy cơ tử vong, khiến việc điều trị gặp khó khăn, thời gian nằm viện kéo dài, chi phí điều trị tăng cao.

Giải thích hiện tượng bệnh nhân tăng nặng do trì hoãn khám định kỳ, ThS.BS Tôn Thất Kha, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, đường huyết của bệnh nhân đái tháo đường cần theo dõi, kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, nhiều người bệnh trì hoãn việc đi khám đúng hẹn, không tuân thủ yêu cầu của bác sỹ điều trị, còn lơ là, chủ quan trong việc chăm sóc và theo dõi tại nhà.

Điều này khiến gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: xuất huyết võng mạc dẫn tới mù lòa, nhiễm trùng và hoại tử chi, suy thận...

“Đây là những tổn thương không đảo ngược được, nên việc phát hiện sớm sẽ tận dụng được thời gian “vàng” trong điều trị. Chi phí điều trị cho bệnh nhân phát hiện sớm cũng thấp hơn nhiều so với bệnh nhân phát hiện muộn, không trở thành gánh nặng cho gia đình người bệnh và xã hội”, BS Tôn Thất Kha nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong trường hợp bệnh nhân phải cắt cụt chi - biện pháp cuối cùng nếu không thể điều trị được vết loét do biến chứng, theo TS Đỗ Đình Tùng, PGĐ BV Xanh Pôn  "có tới  70% bệnh nhân sẽ chết sau 5 năm".

Chưa kể, khi bệnh nhân bị cắt cụt chi sẽ là gánh nặng cho gia đình – trở thành tàn tật, ngồi, nằm một chỗ từ đó sẽ có những biến chứng về loét tại chỗ, nhiễm khuẩn phổi hay teo cơ, cứng khớp…. Điều này khiến thời gian sống của bệnh nhân sẽ giảm đi.

Vì thế, để hạn chế những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra, TS.BS Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường – Bệnh viện Nội tiết Trung ương khuyến cáo, với các bệnh nhân đường huyết không ổn định, có các biến chứng mức độ trung bình nặng trở lên cần đi khám theo chỉ định của bác sĩ tránh để kéo dài tới 2-3 tháng mới tái khám.

Trong trường hợp có bất thường, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để nhận được sự hỗ trợ cần thiết.

Theo infonet.vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ