Cách sơ cứu vết thương bị chảy máu đúng nhất

GD&TĐ - Trong cuộc sống hàng ngày, chảy máu là tình huống thường hay gặp. Chảy máu nhiều sẽ làm suy tuần hoàn của cơ thể, gây ra tổn thương các mô và các cơ quan trong cơ thể và cuối cùng làm nạn nhân tử vong.

Cách sơ cứu vết thương khi bị chảy máu (ảnh minh họa).
Cách sơ cứu vết thương khi bị chảy máu (ảnh minh họa).

Bác sĩ Lê Ngọc Duy-phụ trách Trung tâm cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ hướng dẫn cách sơ cứu vết thương khi bị chảy máu cho người bệnh.

Nguyên nhân và triệu chứng

Người bệnh bị chảy máu thường do vật sắc nhọn: dao, kéo… hoặc vật tỳ đè. Có hai loại chảy máu: Chảy máu ngoài: có thể nhìn thấy được. Ví dụ: Vết cắt ngoài da, gãy xương hở…Chảy máu trong: chảy máu bên trong cơ thể, khó phát hiện trong giai đoạn sớm.

Bác sĩ Lê Ngọc Duy cho biết: Nguyên nhân chảy máu trong thường do các vật thể tỳ đè gây nên: va đập, ngã… làm chảy máu nội tạng: chảy máu não, chảy máu trong ổ bụng…

Vì vậy cần phải theo dõi sát mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở của bệnh nhân kết hợp với chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, chiếu chụp…) để phát hiện chảy máu trong.

Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp ở giai đoạn muộn, chảy máu nhiều đo là: Da xanh, lạnh, ẩm ướt, khát nước nhiều, mạch nhanh, yếu; Thở nhanh, nông, co cứng thành bụng, nạn nhân nằm tư thế bào thai (cuộn tròn); Bệnh nhân đau đớn, khó chịu, buồn nôn hoặc nôn, chướng bụng, g iảm tri giác và có dấu hiệu sốc( huyết áp hạ)

Cách xử trí khi bị chảy máu

Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, khi chảy máu ngoài: Lập tức phải gọi xe cấp cứu nếu thấy nguy hiểm cần có sự trợ giúp của đội cấp cứu.

Quá trình sơ cứu phải rửa tay và đi găng. Cần bộc lộ vết thương, lấy bỏ các dị vật ở nông. Không được lấy bỏ các di vật cắm sâu vào vết thương.

Vệ sinh tay sạch khi sơ cứu (Ảnh minh họa).
Vệ sinh tay sạch khi sơ cứu (Ảnh minh họa).
Cầm máu bằng cách băng ép trực tiếp lên vết thương, sử dụng băng vải sạch. Nếu không thể áp dụng được phương pháp băng ép trực tiếp lên vết thương, băng ép xung quanh vết thương.

Gác chi bị thương cao hơn mức tim (nếu không có gãy xương kèm theo), đặt nạn nhân nằm ở tư thế thoải mái, đầu thấp. Dùng băng cuộn băng ép lên trên vết thương để cầm máu (có mảnh vải vô trùng đệm ở giữa). Đối với vết thương có dị vật sâu, băng xung qụanh dị vật để cố định vết thương.

Nếu vết thương vẫn còn chảy máu, không được dùng thêm gạc đệm ở giữa nữa. Đánh giá lại và đặt miếng đệm mới ở vị trí chính xác để cầm máu. Tiếp tục theo dõi đường thở và hô hấp của nạn nhân. Theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu của sốc.

Xử lý khi chảy máu trong

Bác sĩ Lê Ngọc Duy nhấn mạnh: Khi có hiện tượng chảy máu trong, người nhà cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu cùng sự trợ giúp y tế. Đặt nạn nhân ở tư thế nghỉ hoàn toàn, chân cao (nếu bệnh nhân tỉnh : nằm ngửa; bệnh nhân bất tỉnh: nằm nghiêng).

Nới lỏng quần áo (xung quanh cổ, ngực và hông), ủ ấm nếu cần. Đồng thời trấn an nạn nhân. Chăm sóc các thương tích khác, tránh tổn thương thứ phát.

Theo dõi nạn nhân, ghi chép các chỉ số nhịp thở, mạch (xem đều hay không đều) và giao lại cho nhân viên y tế. Trong khi chờ đợi cấp cứu y tế, không cho nạn nhân ăn, uống bất cứ thứ gì.

Cách băng bó vết thương: Gồm hai kĩ thuật là băng che vết thương và băng ép vết thương.

Băng che: Băng che vết thương có tác dụng cầm máu, bảo vệ vết thương, ngăn ngừa nhiễm khuẩn và các tổn thương thứ phát. Phải rửa tay trước và sau khi băng. Đi găng bảo hộ, dùng một lần (nếu có). Tránh sờ trực tiếp vào vết thương, không nên nói chuyện, hắt hơi, ho hướng vào vết thương.

Lau rửa, sát khuẩn vết thương bằng các dung dịch sát khuẩn trước khi băng. KHÔNG nên cố làm sạch các vết thương lớn cần phải có can thiệp y tế. Băng phủ kín trực tiếp lên trên vết thương. Sử dụng loại băng vô trùng (nếu có) hay mảnh vải sạch đủ rộng (chiều rộng che được bên ngoài vết thương 2 cm)

Băng ép: Băng ép vết thương bằng cách quấn các vòng băng tạo ra một áp lực ép trực tiếp vết thương để cầm máu và che vết thương đồng thời có thể giúp cố định được nẹp, chi hoặc khớp, giảm sưng, phù nề.

Bác sĩ Lê Ngọc Duy cũng lưu ý nên băng ép vết thương ở tư thế thoải mái, đặt thêm gạc đệm nếu băng qua nền xương. Nâng đỡ chi bị thương, băng kín và chặt vừa phải nhưng không quá chặt vì có thể hạn chế tuần hoàn. Luôn luôn kiểm tra tuần hoàn chi sau khi băng ép đề phòng băng quá chặt.

- Dấu hiệu băng quá chặt: Ở dưới chỗ băng có hiện tượng xanh tím ngón tay hay ngón chân. Chân, tay xanh và lạnh. Người bệnh có cảm giác ngứa, kích thích hay mất cảm giác ở chân, tay, hoặc không thể cử động ngón tay, ngón chân.

- Chảy máu do nhiều nguyên nhân (tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động, tai nạn giao thông) gây ra, khi có chảy máu việc cầm máu và băng ép vết thương đúng nạn nhân sẽ tránh được các nguy cơ suy tuần hoàn, sốc, nhiễm khuẩn…

Khi có nghi ngờ chảy máu (chảy máu trong) cần phải theo dõi sát nạn nhân để phát hiện và xử trí kịp thời các dấu hiện của mất máu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.