Cách ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa cho trẻ em từ 0 – 2 tuổi bố mẹ nên biết

GD&TĐ - Trẻ nhỏ thường dễ bị rối loạn tiêu hóa do các cơ quan chức năng trong cơ thể chưa hoàn thiện. Những biểu hiện như nôn trớ, kém hấp thu, đi phân lỏng… nếu kéo dài sẽ gây hại cho hệ tiêu hóa của trẻ. Cha mẹ nên có biện pháp phù hợp để giúp con có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo BS CK1 Nguyễn Thị Ngọc Hương chia sẻ trên trang zing.vn, rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ có nhiều biểu hiện, nhưng có thể tóm tắt một số biểu hiện thường gặp nhất như sau:

Nôn trớ: Là hiện tượng trào ngược những chất chứa trong dạ dày lên thực quản, thường gặp ở trẻ nhỏ do hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, thức ăn chủ yếu ở dạng lỏng và tư thế của trẻ nằm nhiều hơn ngồi. Đến giai đoạn ăn dặm bột (thức ăn đặc hơn) và trẻ biết ngồi và đứng thì hiện tượng này sẽ giảm dần.

Táo bón: Tình trạng đại tiện dưới 3 lần mỗi tuần, hoặc đại tiện phân cứng, rặn đau, đôi khi có máu tươi bao quanh phân, táo bón thường đi kèm với chướng bụng, đau bụng, biếng ăn làm trẻ thường cáu gắt, chậm lên cân.

Tiêu chảy: Trẻ đi tiêu phân lỏng trên 3 lần mỗi ngày được gọi là tiêu chảy. Nguyên nhân thường do nhiễm trùng, loạn khuẩn đường ruột, chế độ ăn không phù hợp với lứa tuổi… tiêu chảy kéo dài có thể ảnh hưởng đến phát triển thể chất lẫn tinh thần.

Kém hấp thu: Trẻ kém hấp thu thường ăn tốt nhưng không tăng cân. Tình trạng sẽ cải thiện nhanh chóng nếu trẻ được bổ sung các vi khuẩn có lợi (Probiotics) và chất xơ hòa tan (Prebiotics) giúp đường ruột tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn.

Rối loạn tiêu hóa là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ gây ra sự khó chịu và kém tăng trưởng ở trẻ. Khi có một trong những biểu hiện nêu trên, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được tư vấn cụ thể.

Những biện pháp phòng ngừa rối loạn tiêu hóa

Để phòng ngừa các rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏt, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến khoảng 4-6 tháng tuổi là biện pháp hữu hiệu nhất. Thành phần đạm dễ tiêu trong sữa mẹ sẽ giúp bé dễ hấp thu, không đầy bụng, sữa không bị ứ lại tại dạ dày, giúp giảm trào ngược và đau quặn bụng.

Ngoài ra, sữa mẹ giàu alpha-lactalbumin sẽ giúp tăng cường miễn dịch đường ruột, chống sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh, giảm nguy cơ tiêu chảy. Hơn nữa, trong sữa mẹ có hơn 130 loại chất xơ khác nhau, giúp làm mềm phân, tăng thời gian đi chuyển của phân trong lòng ruột, và kích thích sự phát triển của các vi khuẩn có lợi trong ruột trẻ giúp giảm táo bón.

Tăng cường thực hiện việc cho bú mẹ là chủ trương đúng đắn và là phương pháp hoàn hảo giúp ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Nếu trẻ không có sữa mẹ thì các biện pháp “bắt chước” sữa mẹ như thay đổi thành phần đạm sữa bò trở nên dễ tiêu, bổ sung probiotic và prebiotic đã được chứng minh có hiệu quả rất khả quan.

Cùng với đó, cha mẹ nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, an toàn cho bé. Bên cạnh việc cân bằng các nhóm bột, đạm, béo, rau củ quả, đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến món ăn, pha sữa cho bé, mẹ nên thường xuyên đổi món trong thực đơn nhằm đa dạng bữa ăn giúp bé đỡ ngán, kích thích ăn ngon cũng như giúp bé thu nhận đủ dinh dưỡng cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ