Các nguyên tắc cách ly F1 tại nhà

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, nếu cách ly F1 tại nhà, cần có không gian ngủ nghỉ, ăn uống, vệ sinh an toàn cho người trong nhà.

F1 có khả năng tự chăm sóc và đo thân nhiệt. Ảnh minh họa.
F1 có khả năng tự chăm sóc và đo thân nhiệt. Ảnh minh họa.

Khi trong nhà có người nguy cơ mắc bệnh nặng, cần đưa họ đi nơi khác nếu có thể. Ngoài ra, với một số trường hợp, có thể cân nhắc việc linh hoạt thành cách ly tại chỗ.

Khả năng áp dụng toàn quốc

Ngày 27/6, Bộ Y tế đã xây dựng Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 cho F1 để UBND Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, áp dụng thí điểm.

Các điều kiện cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện theo Hướng dẫn ban hành kèm Công văn. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát chặt chẽ, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người cách ly theo quy định.

Các điều kiện cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch Covid-19 thực hiện theo Hướng dẫn ban hành kèm theo Công văn này. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát chặt chẽ, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người cách ly theo quy định.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo UBND cấp xã, phường chỉ cho phép thực hiện cách ly tại nhà sau khi đã kiểm tra, xác nhận đảm bảo đủ điều kiện cách ly theo Hướng dẫn.

Đồng thời, tổ chức quản lý, giám sát thực hiện nghiêm việc tổ chức cách ly y tế tại nhà. Giám sát y tế đối với người cách ly trong và sau khi kết thúc cách ly. Tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải y tế lây nhiễm để xử lý theo quy định.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố hoặc đơn vị được chỉ định tổ chức xét nghiệm SARS-COV-2 cho người cách ly. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, cần liên hệ Bộ Y tế (qua Cục Quản lý môi trường y tế).

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về điều kiện cách ly y tế tại nhà phòng chống dịch Covid-19, nhóm áp dụng là những người được xác định tiếp xúc gần với ca bệnh (gọi là F1).

Chiều ngày 30/6, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cho biết, thời gian tới, trên cơ sở đánh giá thí điểm cách ly F1 tại nhà ở TPHCM, Bộ Y tế sẽ xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương. Qua đó, quyết định việc áp dụng hướng dẫn này trên phạm vi toàn quốc.

Cách ly tại nhà và tại chỗ

Chia sẻ về việc cách ly tại nhà, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) nhận định, với phương pháp này, ngoài việc an toàn, cần nghĩ đến giảm tải cho y tế địa phương.

Chuyên gia này cho rằng, bản thân F1 và người nhà có khả năng tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe, cũng như đo nhiệt độ. Trong trường hợp những người này có triệu chứng liên quan cần làm xét nghiệm ngay, mới cần nhân viên y tế. Bên cạnh đó, cần lập đường dây tư vấn sức khỏe cho F1 cách ly tại nhà.

“Ngay cả xét nghiệm định kỳ, khi không có triệu chứng, nên giao cho F1 tự làm test nhanh. Cuối đợt, nhân viên y tế sẽ quét lại bằng PCR. Phải nghĩ đến tránh tăng thêm việc không đáng cho nhân viên y tế địa phương”, bác sĩ Khanh nhận định.

Chuyên gia này nhấn mạnh, nếu cách ly F1 tại nhà, cần lưu ý tới một số nguyên tắc. Trước hết, cần có không gian ngủ nghỉ, ăn uống, vệ sinh an toàn cho người trong nhà. Khi trong nhà có người nguy cơ mắc bệnh nặng, cần đưa họ đi nơi khác nếu có thể.

Ngoài ra, nên tạo điều kiện dễ nhất khi thực hiện xét nghiệm định kỳ. Không ra khỏi nhà. Tốt nhất là không ra khỏi phòng trong suốt thời gian cách ly. Xử lý rác thải sinh hoạt của người cách ly an toàn.

Trong khi đó, theo bác sĩ Phan Xuân Trung - Trung tâm Y khoa MEDIC (TPHCM), hiện nay, F1 quá đông và dễ thành F0 khi ở chung trong những khu tập trung thiếu tiêu chuẩn. Do đó, trở nên phản tác dụng.

“Càng ngày, người ta càng sợ hãi cách ly tập trung vì để đáp ứng mục đích kiểm soát lây nhiễm mà ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động hàng ngày. Giải pháp cách ly tại nhà vừa có tác dụng chống lây nhiễm, vừa không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt bình thường”, bác sĩ Trung chia sẻ.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, cần hiểu cách ly tại nhà một cách linh hoạt. Những công nhân F1 Bắc Giang được tiếp tục công việc tại xưởng. Đồng thời cũng là cách ly với cộng đồng bên ngoài. Do đó, bác sĩ Trung cho biết, cách ly tại nhà không mang nghĩa đen là ở nhà. Đó là cách ly tại chỗ. Công việc vẫn tiếp tục, hạn chế giao tiếp với xung quanh.

Chuyên gia lấy ví dụ, toàn bộ nhân viên công nghệ thông tin của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đều bị cách ly tập trung hoặc tại nhà. Khi đó, công việc ở bệnh viện liên quan đến công nghệ thông tin sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Mặt khác, chưa chắc các thành viên này sẽ không lây nhiễm tiếp cho người thân khi cách ly tại nhà. Do vậy, nhân viên công nghệ thông tin vẫn tiếp tục công việc ở nơi làm việc. Vấn đề là bệnh viện bố trí chỗ ăn, ở để thuận tiện với các F0 này. Điều quan trọng là phải xử lý tất cả các khoa, phòng sao cho thông thoáng, có gió.

“Tóm lại, cách ly tại nhà nên được thay đổi thành cách ly tại chỗ để đạt được yêu cầu cách ly, không tạo thêm lây nhiễm cho mình và người khác. Đồng thời, bảo đảm công việc và sinh hoạt hàng ngày không bị xáo trộn”, bác sĩ Trung nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.