Bê bối sữa nhiễm khuẩn salmonella gây ảnh hưởng đến 83 quốc gia

GD&TĐ - Hơn 12 triệu hộp sữa bột trẻ em ở 83 quốc gia đã được triệu hồi vì vụ bê bối salmonella liên quan đến công ty sữa Pháp Lactalis.

Lệnh thu hồi này được ban hành vào tháng 12 và các nhà bán lẻ Pháp bị đe dọa nếu tiếp tục bán. Ảnh: bbc.com
Lệnh thu hồi này được ban hành vào tháng 12 và các nhà bán lẻ Pháp bị đe dọa nếu tiếp tục bán. Ảnh: bbc.com

Giám đốc điều hành của công ty đã xác nhận với các phương tiện truyền thông Pháp về mức độ rủi ro, ô nhiễm. 

Các sản phẩm đã được thu hồi từ tháng 12, sau khi vi khuẩn salmonella được phát hiện tại một nhà máy. Các vụ kiện đã được tiến hành khi các bậc cha mẹ nói rằng con cái của họ trở nên không khỏe sau khi uống sữa formula.

Tập đoàn Lactalis là một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới về các sản phẩm sữa, với doanh thu hàng năm là 17 tỷ Euro (21 tỷ USD, 15 tỉ bảng Anh). Công ty này đã tiến hành ba lần thu hồi sữa bao gồm một loạt sản phẩm được bán dưới thương hiệu thuộc sở hữu của tập đoàn.

Salmonella là một loại vi khuẩn có thể gây tiêu chảy nặng, chuột rút, nôn mửa, và mất nước nghiêm trọng. Nó có thể đe dọa tính mạng cho người dùng, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Cho đến nay đã có 35 trường hợp được báo cáo ở Pháp và một trường hợp khác đã được xác nhận ở Tây Ban Nha. Chính quyền Pháp cho biết một trường hợp nghi nhiễm khuẩn salmonella khác đang được điều tra tại Hy Lạp.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ Journal du Dimanche của Pháp, Tổng Giám đốc Lactalis đã phủ nhận  việc công ty cố gắng che giấu cơn bùng phát tại nhà máy. Ông Emmanuel Besnier nói với Journal du Dimanche: "Sẽ có một cuộc điều tra, chúng tôi hợp tác hoàn toàn”. Ông cũng hứa rằng công ty sẽ bồi thường cho các gia đình bị ảnh hưởng. Công ty cho biết họ tin rằng ô nhiễm là do công việc đổi mới tại nhà máy Celia của họ ở Craon, phía Tây Bắc nước Pháp.

Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp cho biết các sản phẩm từ nhà máy sẽ bị cấm vô thời trong khi điều tra đang được tiến hành. Chính phủ Pháp đã cảnh báo công ty sẽ phải chịu những hình phạt đích đáng về vụ việc. Chính phủ cho biết có thể sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà bán lẻ, sau khi phát hiện một số chuỗi siêu thị lớn vẫn bán các sản phẩm sữa có thể đã bị ô nhiễm.

Theo Thanhtra.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ