90% người dân có vấn đề về răng miệng

GD&TĐ - Kinh tế phát triển, người dân có xu hướng sử dụng nhiều đường và đồ ăn vặt trong khi việc chăm sóc răng miệng lại không tăng theo tỷ lệ thuận nên ngày càng có nhiều người mắc bệnh về răng miệng. 

Đẩy mạnh hoạt động nha học đường để ngăn ngừa bệnh về răng miệng cho giới trẻ
Đẩy mạnh hoạt động nha học đường để ngăn ngừa bệnh về răng miệng cho giới trẻ

Bệnh liên quan đến răng miệng không chỉ gây đau đớn, mất thẩm mỹ mà còn chứng tỏ kỹ năng chăm sóc răng miệng của cộng đồng chưa cao.

Bệnh phổ biến

Theo thống kê của Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ người mắc bệnh răng miệng cao trên thế giới, với trên 90% dân số có vấn đề về sức khỏe răng miệng. 

Bác sĩ Trịnh Đình Hải - Chủ tịch Hội Răng hàm mặt Việt Nam - cho biết: Bệnh về răng miệng chủ yếu là sâu răng, viêm nướu, viêm quanh răng. 

Cụ thể, tỷ lệ người lớn có bệnh viêm lợi, viêm quanh răng là trên 90%. Với trẻ em, tỷ lệ mắc bệnh cũng ngày một gia tăng. Cả nước có đến 80% trẻ 4 - 8 tuổi bị sâu răng, trên 60% thiếu niên bị lệch răng và rối loạn khớp cắn. Bên cạnh đó còn có hàng chục ngàn trẻ bị khuyết tật môi cần được chăm sóc và điều trị.

Cũng theo bác sĩ Hải, sâu răng từ nhỏ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, tâm lý giao tiếp của trẻ mà còn gây nhiều bất lợi cho các bé khi trưởng thành. 

Một lý do làm gia tăng tỷ lệ trẻ bị sâu răng là sự lơ là của cha mẹ trong chế độ ăn uống của con em mình. Những năm gần đây, người Việt có xu hướng sử dụng thức ăn nhanh thay vì thực phẩm tươi như trước kia. 

Các loại đồ hộp, đồ uống có đường trong bữa ăn hàng ngày là tác nhân gây ra các bệnh về răng miệng bởi đường dư thừa trong thức ăn kết hợp với vi khuẩn trong miệng tạo thành các mảng bám trên răng.

Nếu không chải răng kỹ, lâu dần những mảng bám trên sinh ra axit gây sâu răng, cao răng, viêm nướu, bệnh nha chu, thậm chí mất răng nếu không được can thiệp kịp thời. 

Nguy hiểm hơn, sâu răng và viêm nướu có liên quan mật thiết đến các bệnh khác cho cơ thể khi trẻ trưởng thành như: Bệnh mạch máu não, tiểu đường, hội chứng chuyển hóa, xơ cứng động mạch, bệnh đường hô hấp, xương thủy tinh, sinh non, thai nhi phát triển chậm… Trẻ mất răng sữa quá sớm dẫn đến xô lệch hàm hoặc xương hàm không phát triển khiến khuôn mặt mất cân đối…

Làm gì để bảo vệ “một góc con người”

Thói quen ăn đồ ngọt ngày càng phổ biến nhưng kiến thức về chăm sóc răng miệng lại dậm chân tại chỗ. Phần lớn các ông bố bà mẹ có quan niệm răng sữa đằng nào cũng thay nên không cần chăm sóc. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều trẻ mắc bệnh về răng miệng, sâu răng nhưng không được điều trị kịp thời.

Một nguyên nhân khác là việc vệ sinh răng không đúng cách. Đầu tiên là chải răng không đúng cách. Tuy đây là hoạt động vệ sinh răng miệng phổ biến hằng ngày mà hầu hết mọi người đều biết và thực hiện. 

Nhưng do thói quen chưa đúng từ nhỏ nên nhiều người vẫn chải răng sai cách. Hậu quả của những bệnh này có thể trầm trọng hơn, thậm chí mất răng nếu để quá lâu. 

Xỉa tăm thay vì dùng chỉ nha khoa làm các kẽ răng bị hở, làm trầy nướu răng và gây tụt nước ở kẽ răng. Không dùng nước súc miệng cũng khá phổ biến trong cộng đồng. 

Điều này làm hạn chế hiệu quả chăm sóc răng miệng vì vi khuẩn có thể tồn tại ở lưỡi, vòm miệng... Ngoài ra, do không có thói quen khám răng định kỳ 6 tháng một lần nên khi tìm đến nha sĩ, tình trạng sức khỏe răng miệng của người Việt thường đã nghiêm trọng, khó chữa hoặc để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, giảm tỷ lệ dân số mắc bệnh răng miệng, cách tốt nhất là đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền trong trường học và ở cộng đồng về các vấn đề sức khỏe răng miệng.                                                                                                                                                                                                            Phổ biến các kiến thức vệ sinh răng miệng, chải răng đúng cách, khám răng định kỳ, dùng chỉ nha khoa cho các em học sinh ngay từ lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học và THCS nhằm tạo thói quen tốt và giúp các em có ý thức chăm sóc răng miệng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ