Nền tảng của y tế trường học

GD&TĐ - Thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thế hệ trẻ, HSSV.Vì vậy chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng này có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình hoàn thành BHYT toàn dân và xây dựng hệ thống Y tế trường học.

 Nền tảng của y tế trường học

Lộ trình phát triển BHYT HSSV

Khi triển khai thực hiện chính sách BHYT ở nước ta, HSSV là đối tượng được quan tâm thực hiện sớm từ năm học 1994 – 1995. Trong năm học đầu tiên triển khai chính sách này theo Thông tư liên tịch số 14/1884/TTLT-BGDĐT-BYT ngày 19/9/1994 của liên Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Y tế, số HSSV chỉ đạt 1,7%, thì năm học 1996 đã lên con số trên 2,5 triệu em, đạt 14,7% HSSV toàn quốc.

Sau 10 năm triển khai, ngày 12/7/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg về việc tăng cường công tác y tế trong các trường học, xác định rõ tuyên truyền, vận động HSSV tham gia BHYT là một trong những giải pháp quan trọng để tạo nguồn lực phát triển y tế trường học, góp phần phát triển giáo dục toàn diện.

Thông qua kết quả đạt được từ việc triển khai Chỉ thị số 23, toàn quốc đã gia tăng nhanh chóng số lượng HSSV tham gia BHYT tự nguyện vào năm 2006 với gần 7 triệu HSSV, đạt 45% tổng số toàn quốc. Từ năm 2007 đến 2009 số HSSV tham gia là trên 10,7 triệu em, đạt 60%.

Khi Luật BHYT được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2008, từ năm học 2010-2011, BHYT học sinh, sinh viên đã được đưa vào diện bắt buộc phải tham gia với sự hỗ trợ mức đóng của Nhà nước.

Năm 2015,sau 5 năm HSSV tham gia BHYT bắt buộc theo quy định, số HSSV tham gia là trên 13,5 triệu em, đạt 75% HSSV toàn quốc. Hầu hết các trường đã có hệ thống y tế và cán bộ chuyên trách. Đến nay, số HSSV tham gia BHYT đã đạt 92,5%, tương ứng khoảng 15,9 triệu em, là một thành tựu to lớn, khẳng định sự phát triển đúng hướng của BHYT với đối tượng quan trọng này.

Thực hiện Luật BHYT, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho HSSV trong việc tham gia BHYT, bằng việc cấp thẻ BHYT miễn phí cho HSSV nghèo, HSSV dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; HSSV đang sống tại các Trung tâm bảo trợ xã hội; HSSV là thân nhân sỹ quan quân đội, công an, cơ yếu, thân nhân người có công với cách mạng,… Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng đối với HSSV thuộc hộ cận nghèo và tối thiểu 30% mức đóng đối với những HSSV khác.

Khôi phục Y tế trường học…

Những năm đầu, khi thực hiện chính sách BHYT HSSV, Bảo hiểm Xã hội đã gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, từ kinh phí, nhân lực còn mới mẻ chưa đủ kinh nghiệm, hệ thông tổ chức chưa ổn định. Trong khi xã hội vẫn còn nhiều định kiến không tốt về chính sách BHYT do một số người khi tham gia chưa được chăm sóc tốt lúc đi khám, chữa bệnh.

Hơn nữa, ở thời gian đầu triển khai, BHYT dù là một chính sách tốt của Nhà nước nhưng đã chịu sự cạnh tranh khốc liệt của một số công ty kinh doanh bảo hiểm.Với những phương thức khuyến mãi, trích hoa hồng hấp dẫn cho nhà trường,những công ty này luôn dùng mọi biện pháp đánh bật BHYT ra khỏi trường học qua việc mua chuộc để phụ huynh học sinh phản đối trong những hội nghị triển khai đầu năm học.

Quan điểm gắn BHYT với hệ thống y tế học đường, có cán bộ y tế chuyên trách, chăm sóc sức khỏe ban đầu và làm đầu mối Đại lý thu phí BHYT dần hình thành, từng bước giúp cho phụ huynh học sinh thấy được lợi ích thiết thực của BHYT và sự cần thiết mua BHYT cho con em họ.Điểm mạnh và thuận lợi nhất do chính sách BHYT học sinh, sinh viên tạo ra tronggần ¼ thế kỷ qua là sự chứng minh chính sách BHYT học sinh, sinh viên và hệthống y tế trường học có tác động lẫn nhau trong lộ trình BHYT toàn dân.

Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã xây dựng Đề án thí điểm thực hiện Y tế trường học có cán bộ y tếchuyên trách, hưởng lương từ quỹ BHYT trích lại, được các cấp chính quyền, ngành GD-ĐT, ngành Y tế địa phương chấp nhận. Mặc dù, vẫn có nhiều ý kiến lo ngại kinh phí trích lại không đủ trả lương và phụ cấp cho nhân viên y tế trường học.

Tuy nhiên, bằng sự tận tâm, nhẫn nại thuyết phục của người làm công tác BHYT vì mục đích cao đẹp thiết thực, Đề án của nhiều tỉnh, thành được chấp nhận thí điểm ở những trường có số lượng học sinh và nguồn thu lớn.

Thực tiễn chứng minh, trước năm 1992, toàn quốc chưa có hệ thống Y tế trường học trong nhà trường, nhưng từ năm 1992 nhiều trường học trong toàn quốc đã thí điểm thành công hệ thống này, chuyên trách hoạt động nhờ quỹ BHYT HSSV trích lại. Tên gọi BHYT HSSV gắn liền với Y tế trường học đã hình thành từ đó cho đến nay.

Năm 1994, GS. Trần Xuân Nhĩ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đã có bài viết trên Báo Nhân dân: “Khôi phục lại Y tế trường học là mục tiêu chính của BHYT”, điều này cho thấy vai trò quan trọng của chính sách BHYT HSSV và công tác Y tế trường học. Từ đó, liên Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã ra Thông tư liên tịch số 14/1994/TTLT-BGDĐT-BYT về BHYT tự nguyện HSSV, sau đó thay thếbằng Thông tư liên tịch số 40/1998/TTLT-BGDĐT-BYT về công tác BHYT học sinh và Y tế trường học.

Năm 2000, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế, ban hành Thông tư số 03/2000/TTLT-BYT-BGDĐT hướng dẫn công tác Y tế trường học, sau khi có kết quả từ Đề án thí điểm ở một số tỉnh, thành về công tác BHYT học sinh, sinh viên gắn với tổ chức hệ thống Y tế trường học.Đây là văn bản có tính pháp lý cao nhất thời điểm đó, quy định về công tác BHYT học sinh và Y tế trường học.

Tuy nhiên, sau khi ban hành quy định việc triển khai BHYT học sinh và Y tế trường học trong toàn quốc đã nảy sinh nhiều khó khăn.Bởi nhiều trường học có số học sinh ít, kinh phí trích lại từ quỹ BHYT học sinh không đủ trả lương và hoạt động, Y tế trường học đứng trước nguy cơ phải dừng lại. Tuy khó khăn là vậy, nhưng với sự tận tâm đam mê nghề nghiệp, những người làm công tác BHYT trong cả nước luôn cố gắng tuyên truyền, vận động các cấp chính quyền từ trungương đến địa phương, đoàn thể và Nhân dân để chương trình được tiếp tục triển khai.

Đến năm 2006,đáp lại mong ước của những người làm công tác BHYT học sinh và Y tế trường học, ngày 12/7/2006, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg, về việc tăng cường công tác y tế trong trường học.Đây chính là mệnh lệnh của Chính phủ bắt buộc ngành Giáo dục và Y tế cùng chính quyền các cấp phải thực hiện.Đây chính là bước thành công đầu tiên, thành tựu to lớn trong công tác BHYT HSSV.

Đến nay, với tỷ lệ trên 92% học sinh, sinh viên có BHYT, số kinh phí trích lại cho y tế trường học từ con số vài chục triệu đồng/năm đã lên tới hàng trăm tỷ mỗi năm, và cán mốc ngàn tỷ vào năm 2017 đã càng khẳng định BHYT HSSV chính là nguồn tài chính quan trọng, nền tảng để phát triển y tế học đường./.

Về quyền lợi, BHYT HSSV có tính ưu việt, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đối tượng này. Ngoài việc được quỹ BHYT chi trả các chi phí khám chữa bệnh khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế như các nhóm đối tượng khác, HSSV tham gia BHYT còn được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường từ nguồn kinh phí do quỹ BHYT trích lại cho y tế trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ