“Giọt hồng” cho đi, tình yêu ở lại

GD&TĐ - Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống. Bởi nhờ việc làm này mà nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, hay phải cấp cứu đột xuất cần tiếp máu đã tìm lại hy vọng trong cuộc đời.   

Tham gia hiến máu trong “Ngày hội sắc hồng”.
Tham gia hiến máu trong “Ngày hội sắc hồng”.

Cũng chính từ những hành trình đỏ ấy, sự sống đã được nối dài và ở đâu đó tình yêu được nhen nhóm trong những trái tim đầy ắp yêu thương.

Cần sự sẻ chia

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương luôn là nơi đón nhận và trao đi nhưng giọt hồng của sự sống. Nhờ sự chung tay của cộng đồng, nhiều cá nhân và tập thể đã đăng ký tình nguyện hiến máu để giúp cho những trái tim tiếp tục nhịp đập của mình.

Trong năm 2018, Viện đã tổ chức thành công trên 40 ngày hội hiến máu lớn. Nổi bật như Lễ hội Xuân Hồng, Giọt hồng tri ân, Trung thu cho em, Trái tim tình nguyện, Khát vọng tuổi trẻ … Tổng số máu tiếp nhận được là 317.513 đơn vị, đạt 99% tổng lượng máu và tăng 6,7% so với năm 2017.

Năm 2018 cũng là năm thứ 11 Viện Huyết học tổ chức chương trình gặp mặt Nhà Quản lý và trao giải thưởng "Giọt hồng” để tri ân và cảm ơn những đóng góp tích cực của các đồng chí lãnh đạo, các nhà quản lý với phong trào hiến máu tình nguyện.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: 65% lượng máu của Viện tiếp nhận từ Hà Nội, phần còn lại là từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Thậm chí, nhiều thời điểm khan hiếm Viện phải tiếp nhận máu từ các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên… để cung cấp cho hơn 150 bệnh viện khu vực phía Bắc. Nhờ đó đã có hàng trăm nghìn người được cứu sống.

“Không chỉ có sinh viên trẻ tích cực tham gia các chương trình hiến máu nhân đạo mà rất nhiều lãnh đạo và các nhà quản lý đã nhiều lần trực tiếp hiến máu cũng như vận động gia đình, bạn bè cùng hiến máu.

Trong hành trình đỏ suốt mười năm qua, hình ảnh ba nữ Phó Giáo sư – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương năm nào cũng tham gia hiến máu đã để lại những cảm xúc khó quên. Hay hình ảnh những cán bộ lãnh đạo của Tập đoàn Samsung Việt Nam lúc nào cũng đi đầu trong phong trào hiến máu để làm gương cho các đồng nghiệp của mình.

Sau những người đóng vai trò quản lý đó là hàng chục ngàn cán bộ, nhân viên người Hàn Quốc và Việt Nam cùng hiến máu vào dịp hè hàng năm. Đó còn là hình ảnh các bác, các anh, chị cán bộ Chữ thập Đỏ, có người đã nghỉ hưu hàng chục năm, mái tóc đã bạc trắng nhưng vẫn đến từng hộ gia đình, từng khu phố trên địa bàn mình để vận động hiến máu.

Họ chính là những con người có trái tim đầy lòng nhân ái” - Viện trưởng Bạch Quốc Khánh đã chia sẻ.

Đong đầy tình yêu thương

Tại Viện Huyết học, rất nhiều em nhỏ đang hàng ngày phải đối diện với tử thần, giấc mơ đến trường của các em vẫn đang dang dở. Bệnh tật đã khiến các em không được học hành và vui chơi với những bạn bè đồng trang lứa.

Đồng hành với các em không chỉ có gia đình, bạn bè, các thầy thuốc mà còn rất nhiều tấm lòng sẻ chia của biết bao người. Chính những lá thư chan chứa ước mơ và lòng biết ơn của các em là những lời tri ân tới những con người đang ngày đêm làm việc thiện cho đời.

Ngay từ khi phát động, những người thực hiện chương trình đã nhận được rất nhiều bức thư vô cùng xúc động từ chính những bệnh nhân nhi đang điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

 

Để nối dài sự sống, trao gửi những yêu thương, hơn lúc nào hết nguồn máu dự trữ luôn cần sự sẻ chia từ mọi tầng lớp trong xã hội. Năm 2019, Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư dự kiến tiếp nhận 350.000 đơn vị máu, Viện rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm và chia sẻ của mọi người trong việc phối hợp vận động và tổ chức hiến máu với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững ổn định của hoạt động tiếp nhận máu….

 

TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học

- Truyền máu Trung ương

Mỗi lá thư đều đong đầy cảm xúc, ở đó các em đã trao gửi những ước mơ, có khi là lời biết ơn sâu nặng với những người sinh thành, với cộng đồng cùng nghị lực vượt lên trong nỗi đau bệnh tật.

Những dòng chia sẻ ngây thơ của các em chính là những lời tri ân với những tấm lòng nhân ái. Bé Trần Thị Kim Anh (12 tuổi, Hải Phòng) đã bày tỏ cảm xúc của mình qua những dòng chữ: "... Con còn rất nhỏ con không biết ung thư máu là gì, con chỉ biết bố mẹ con khóc rất nhiều. Mẹ con suy sụp và lúc nào con cũng thấy mẹ khóc rất nhiều và rồi con được chuyển lên Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương điều trị.

Rồi tuổi thơ của con gắn liền với giường bệnh. Những đợt điều trị hóa chất kéo dài con mệt và đau đớn toàn thân nhưng nhờ có mẹ động viên con luôn phải cố gắng để vượt qua... Con rất thương bố mẹ, con mơ ước học thật giỏi để trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mọi người...”.

Trong hành trình sẻ chia những thương yêu người ta còn thấy lấp lánh niềm hạnh phúc về câu chuyện tình yêu đôi lứa đầy xúc động. Chị Phạm Thị Thoan phát hiện mắc chứng mắc chứng bệnh tan máu bẩm sinh từ năm 11 tuổi. Đến nay đã 23 năm chị phải gắn cuộc đời của mình với bệnh viện. Mỗi tháng chị Thoan đều đặn hai lần đến viện để điều trị.

Để tiện cho việc chạy chữa chị đành phải xa quê ra Hà Nội mưu sinh. Chị sống tại nhà trọ và làm đủ nghề từ rửa bát thuê, dọn vệ sinh, bán bánh khoai, bán bảo hiểm để sống… Bản thân chị nhiều khi thấy tủi thân, vì những bệnh nhân khác thường có người thân bên cạnh chăm sóc, còn chị chỉ có một thân, một mình.

Gắn bó với bệnh viện, được chứng kiến nhiều cảnh ngộ và số phận éo le hơn mình, chị đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Tự mở cửa hàng giặt là cho các bệnh nhân cùng cảnh ngộ từ số tiền 30 triệu đi vay đã giúp chị tiếp tục chữa bệnh và trang trải trong cuộc sống. Không những vậy chị còn giúp đỡ và sẻ chia với những bệnh nhân khó khăn hơn mình.

Hành trình vươn lên trong cuộc sống, chống chọi với căn bệnh về máu quái ác của chị Thoan còn có sự đồng hành của hàng nghìn người hiến máu tình nguyện. Cũng chính trong hành trình này, chị đã có cơ duyên gặp được anh Phạm Phú Phát người đã có hơn 40 lần hiến máu tình nguyện. Tình yêu của họ đã nên duyên từ những giọt hồng được sẻ chia.

Chị Thoan thực sự hạnh phúc khi từng ngày, từng giờ những giọt máu đang chảy trong cơ thể của mình có sự hòa chung của dòng máu ấm nóng mà người bạn đời của chị trao tặng cho chính người thương yêu của anh. Cuộc sống sẽ tiếp tục được hồi sinh cũng như tình yêu hạnh phúc của họ trong một câu chuyện cổ tích tại đời thường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.