(GD&TD)-Sáng nay (17/1), Thường trực Ban Chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã họp phiên thứ nhất dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Sinh Hùng.
Tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992 là một khâu quan trọng để sửa đổi Hiến pháp đạt hiệu quả |
Cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí Ủy viên Thường trực.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học trong việc tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992 thời gian vừa qua.
Để đáp ứng yêu cầu phù hợp với tình hình đất nước trong thời kỳ mới, hoạt động nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp đã được Trung ương Đảng và Quốc hội thống nhất thông qua với sự tham gia của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Kết quả tổng kết sẽ là cơ sở quan trọng để Trung ương và Quốc hội đưa ra quyết định về phạm vi sửa đổi Hiến pháp
Đánh giá khách quan và đúng đắn những giá trị tư tưởng chính trị - pháp lý được thể hiện trong Hiến pháp; những thành tựu đạt được, những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân. Định hướng sửa đổi cũng phải tính đến những yêu cầu, nội dung đặt ra phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại; thể chế hóa kịp thời các đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và các văn kiện khác của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Để đảm bảo tiến độ tổng thể của dự án, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đề nghị các thành viên trong Ban Chỉ đạo tập trung cho ý kiến, nhận xét, đánh giá vào Dự thảo Báo cáo Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992; đặc biệt cần đi sâu phân tích, cho ý kiến vào việc xây dựng dự thảo định hướng những vấn đề lớn cần sửa đổi của Hiến pháp.
Theo kế hoạch, Ban chỉ đạo sẽ họp 10 phiên, các công việc được chia thành hai giai đoạn gồm các hoạt động liên quan đến tổng kết thi hành Hiến pháp và các hoạt động liên quan đến đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, thực hiện từ tháng 10/2011-11/2013.
Giai đoạn một, từ nay đến 1/2012, Ban chỉ đạo tổ chức các phiên họp để thông qua quy chế, kế hoạch hoạt động; cho ý kiến về Đề cương chi tiết các chuyên đề do một số Bộ và địa phương thực hiện; thông qua Đề cương chi tiết Báo cáo tổng kết của Chính phủ và cho ý kiến đối với các dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp của Chính phủ trước khi trình Chính phủ và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Ban chỉ đạo tổ chức các đoàn công tác tại 7 địa phương được giao thực hiện báo cáo chuyên đề, gồm: 4 đoàn công tác chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch tổng kết thi hành Hiến pháp tại Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Lắk vào tháng 11/2011; 3 đoàn công tác dự Hội nghị tổng kết tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 12/2011.
Các cuộc hội thảo tại ba miền Bắc, Trung, Nam sẽ được tổ chức vào đầu tháng 1/2012 để lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp của Chính phủ.
Giai đoạn hai, từ tháng 2/2012 đến tháng 11/2013, các phiên họp của Ban chỉ đạo sẽ cho ý kiến về đề xuất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến về đề xuất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, tổ chức 2 đoàn khảo sát nước ngoài.
Minh Duy