Sửa đổi Hiến pháp đảm bảo mục tiêu lâu dài, ổn định

Sửa đổi Hiến pháp đảm bảo mục tiêu lâu dài, ổn định

(GD&TD)-Ngày 21/2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã chủ trì phiên họp thứ hai của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

gh
Việc tổng kết thi hành Hiến pháp theo đúng tiến độ, toàn diện, thận trọng, khách quan và có chất lượng

Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và các ủy viên Ủy ban.

Tại phiên họp này, các ủy viên Ủy ban đã thảo luận và cho ý kiến bước đầu về Dự thảo Báo cáo Tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 và Báo cáo của Ban Biên tập về những vấn đề cơ bản trong sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Về Dự thảo Báo cáo Tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, các ủy viên Ủy ban đã đánh giá cao quá trình tiến hành tổng kết thi hành Hiến pháp, trong đó các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức đã nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tổng kết đối với việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và đã triển khai việc tổng kết thi hành Hiến pháp theo đúng tiến độ, toàn diện, thận trọng, khách quan và có chất lượng.

Kết quả tổng kết thi hành Hiến pháp đã làm rõ những đóng góp tích cực, quan trọng của Hiến pháp năm 1992 đối với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong 20 năm qua. Đồng thời, dự thảo Báo cáo Tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 cũng đã xác định những nội dung của Hiến pháp năm 1992 cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới để thể chế hóa các quan điểm, định hướng lớn được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Về Báo cáo những vấn đề cơ bản về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy Báo cáo đã được xây dựng công phu. Những vấn đề cơ bản về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được xây dựng trên cơ sở mục tiêu, quan điểm, những định hướng lớn được xác định trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 2 (khóa XI); kết quả tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992; quá trình nghiên cứu tổng kết lý luận và thực tiễn về Hiến pháp; ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi cũng cần tiếp tục khẳng định địa vị pháp lý, làm rõ thêm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân. Việc xây dựng dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng phải hướng tới mục tiêu tạo sức bật mạnh mẽ cho công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, phù hợp với bối cảnh đổi mới của đất nước trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng phải tiếp tục quan tâm hơn nữa đến quyền con người; quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong việc chấp hành kỷ cương, pháp luật của Nhà nước... nhằm xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh mỗi cá nhân, tập thể vì lợi ích của đất nước, của dân tộc.

Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng đề nghị các thành viên của Ủy ban cho ý kiến về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những định hướng cơ bản về tổ chức, phương thức hoạt động của các cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp và các định chế quan trọng về: Chủ tịch nước, Viện Kiểm sát, Tòa án, Kiểm toán Nhà nước, đặc biệt có cơ chế bảo vệ Hiến pháp

Tại phiên họp lần này, Ủy ban cũng sẽ cho ý kiến về thiết kế bố cục, chương, điều của Hiến pháp sao cho phù hợp, có tính ổn định, lâu dài, tương xứng với vai trò, vị trí là đạo luật cơ bản.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết sau khi lấy ý kiến các thành viên trong ủy ban, dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến về cách thức, thời gian công bố rộng rãi và thu thập ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân.

Tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992  đã thống nhất những định hướng lớn về nội dung cần được sửa đổi, bổ sung bao gồm:

(i) Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo động lực mới cho sự phát triển đất nước;

(ii) Thể hiện sâu sắc thêm tư tưởng chủ quyền nhân dân trong Hiến pháp;

(iii) Tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và xã hội;

(iv) Phát huy tối đa nhân tố con người, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phòng ngừa xung đột xã hội;

(v) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

(vi) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

(vii) Bảo đảm hội nhập quốc tế đầy đủ và vững chắc;

(viii) Bảo đảm tính ổn định của Hiến pháp.

Nguyễn Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.