Chị Vũ Thị Na ở số nhà 18, ngõ 97 đường Trường Chinh (Hà Nội) bức xúc, trước đó khi bóc hộp sữa chua hiệu Petit (xuất xứ Đức) đang còn hạn sử dụng cho con ăn thì phát hiện một khối nấm mốc có màu nâu đen nổi trên bề mặt.
Điều khiến chị Na bất bình là sau khi tìm cách liên lạc nhiều lần với đơn vị phân phối sản phẩm dán trên nhãn phụ là Công ty TNHH Thương mại City food Lê Minh có địa chỉ 41B, ngõ 3 Thái Hà (Hà Nội) đều bị nhân viên công ty tìm cớ thoái thác.
Bức xúc trước thái độ của nhân viên công ty, chị Na nói: “Kinh doanh thực phẩm liên quan đến trẻ em nhưng công ty rất vô trách nhiệm đối với khách hàng, từ nay chị đổi sữa không dám cho con ăn loại sữa chua này nữa”.
Chị Na cho hay, lốc sữa chua 6 hộp trên chị mua ở một siêu thị trên đường Giải Phóng và còn hạn sử dụng đến ngày 11/6.
Lỗi do vận chuyển?
Ngay khi nhận được thông tin, PV báo Tiền Phong liên lạc với đại diện của Công ty TNHH Thương mại City food Lê Minh, qua điện thoại đại diện công ty này cho hay, đã ngừng nhập khẩu sản phẩm từ cuối năm 2013, họ không có trách nhiệm liên quan đến sản phẩm sữa chua Petit nữa.
Qua tìm hiểu, mặt hàng sữa chua Petit có vị hoa quả các loại nên được nhiều trẻ em ưa thích. Hiện, loại sữa chua này được phân phối tại nhiều siêu thị, cửa hàng trên toàn quốc.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, các sản phẩm trên thị trường hiện nay có hai đơn vị ghi phân phối gồm Công ty TNHH Thương mại City food Lê Minh và Công ty TNHH thương mại và xuất nhập khẩu Nhất Lâm.
Trao đổi với PV, bà Dương Mai Trang - Đại diện Cty TNHH thương mại và xuất nhập khẩu Nhất Lâm - cho hay: Từ ngày 25/5, công ty là đại diện phân phối độc quyền sản phẩm này. Tuy nhiên, các sản phẩm có hạn sử dụng trước 11/6 là của công ty Lê Minh vẫn trôi nổi trên thị trường, Cty không kiểm soát hết được.
Vậy nhưng, sau khi tiếp nhận phản ánh của khách hàng, bà Trang vẫn đến nhà là chị Na, lập biên bản tiếp nhận mẫu sản phẩm bị mốc.
Trong biên bản tiếp nhận mẫu ban đầu của công ty ghi nguyên nhân dẫn đến sản phẩm bị mốc là: “do khách quan, do quá trình vận chuyển”.
Theo quy định tại khoản 8, điều 10 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 thì việc “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của người tiêu dùng được coi là hành vi trái pháp luật, bị cấm”.