Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo - cho biết: Ngay sau khi sự việc xảy ra, Sở đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo Quế Phong báo cáo tình hình và cử cán bộ liên quan đến làm việc tại trường để kiểm tra, xem xét và phối hợp cùng xử lý.
Bên cạnh đó, cũng đã kịp thời ra văn bản yêu cầu Phòng tiếp tục chủ động phối hợp với các phòng ban chuyên môn liên quan của huyện để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân chính dẫn đến việc 20 học sinh bị suy thận cấp khi đang sinh hoạt và học tập tại trường để từ đó có hướng điều chỉnh thích hợp; làm tốt công tác tuyên truyền, để ổn định ngay tình hình dạy và học tại Trường Hạnh Dịch nói riêng và trên địa bàn nói chung; phối hợp với ngành y tế làm tốt công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là ở các trường có học sinh nội trú, bán trú.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Nghệ An, từ tháng 11 đến nay có 20 trường hợp học sinh tại xã Hạnh Dịch có các triệu chứng phù, đái ít, nước tiểu sẫm màu, nghi mắc viêm cầu thận.
Trong đó có 2 em suy thận cấp tử vong là Lô Văn Tuấn và Lô Văn Hiếu. Đây là 2 anh em sống trong một nhà tại bản Chăm Pụt, xã Hạnh Dịch.
Cô Lang Thị Tuyển - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hạnh Dịch - cho hay: “Toàn trường có 175 học sinh, 19 cán bộ, giáo viên. Đây là lần đầu tiên tại trường xảy ra sự việc như vậy nên chúng tôi hết sức lo lắng.
Hiện nhà trường đã đến động viên gia đình 2 em học sinh tử vong, phân công giáo viên đến từng nhà các em mắc bệnh để thăm hỏi, trấn am tâm lý. Trường cũng đã kiểm tra việc ăn uống đối với học sinh bán trú”.
Ngày 22/2, đoàn công tác Sở Y tế đã thực hiện khám sàng lọc cho gần 200 học sinh xã Hạnh Dịch để xác định số trẻ có nguy cơ mắc bệnh suy thận, có phương pháp điều trị thích hợp.
Bác sỹ Nguyễn Chí Sĩ (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) trực tiếp có mặt tại buổi khám sàng lọc cho biết: “Chẩn đoán ban đầu của cơ quan y là các bệnh nhân nói trên bị viêm cầu thận cấp, nhiều khả năng do liên cầu khuẩn. Tuy nhiên, để xác định rõ nguyên nhân cần chờ nhiều kết quả xét nghiệm khác”.
Bác sỹ Sĩ cũng khuyến cáo người dân thực hiện vệ sinh thân thể, răng miệng sạch sẽ, thực hiện ăn chín uống sôi, khi có các triệu chứng phù nề, tiểu buốt, đau bụng… thì đến ngay cơ sở y tế khám bệnh, đặc biệt là bà con ở miền núi không tự ý dùng thuốc lá để chữa bệnh.
Trước đó, 21/2, đoàn công tác của Sở Y tế Nghệ An gồm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, BV Sản Nhi đến vùng dịch. Cơ quan chuyên môn lấy 10 mẫu máu của bệnh nhân đang điều trị tại nhà và bệnh nhân đã ổn định, đi học.
Qua xét nghiệm, có 5 mẫu dương tính với ASLO (xét nghiệm huyết thanh đo lượng kháng thể kháng liên cầu khuẩn); 4 mẫu nước tại gia đình có 2 bệnh nhân tử vong, tại trường THCS Hạnh Dịch chưa có kết quả xét nghiệm.
Trong công văn số 189/KCB-QLCL gửi Sở Y tế Nghệ An ngày 22/2, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê đề nghị Sở Y tế tỉnh Nghệ An khẩn trương xác minh sự việc, tìm rõ nguyên nhân, tập trung cứu chữa, yêu cầu hỗ trợ của tuyến trên nếu cần. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Nghệ An báo cáo cụ thể về vụ việc trước ngày 28/2.