Khảo sát được tiến hành ngay sau thông tin phản ảnh một vài học sinh Trường Tiểu học Thanh Văn (Thanh Chương, Nghệ An) học lớp 4 mà chỉ viết được chữ C, chữ O và đọc vài chữ đơn giản.
Từ kết quả kiểm tra, Sở GD&ĐT Nghệ An đã gửi công văn giải trình vụ việc đến Bộ GD&ĐT. Chiều 18/2, trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, bà Trần Thị Thắm - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Bộ GD&ĐT không nương nhẹ trong việc xử lý các sai phạm, nghiêm túc rút kinh nghiệm toàn Ngành để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Đến tận nơi tìm hiểu sự việc
Em Lê chưa đạt được chuẩn về kiến thức và kỹ năng, nhưng khẳng định chất lượng học tập của em Lê không ở mức chỉ viết được “vài ba chữ” như thông tin báo chí nêu.
Qua kiểm tra hồ sơ nhà trường cho thấy: Trong 5 học sinh được nêu tên, có em Đinh Thị Cường không có tên trong danh sách học sinh đang học tại trường; hai em học sinh Nguyễn Thị Mai lớp 5B và em Nguyễn Đức Tuấn lớp 4B đều là học sinh thuộc diện khuyết tật học hòa nhập (không đánh giá theo chuẩn).
Em Nguyễn Thị Lê là học sinh lớp 3 năm học 2012 - 2013 lưu ban lại lớp 3 và em Lê Thị Huế là học sinh được lên lớp 3 sau khi làm bài kiểm tra lại. Hiện tại cả 2 em đều đang học lớp 3B Trường TH Thanh Văn (Thanh Chương, Nghệ An).
Phóng viên cùng đại diện nhà trường và địa phương đã tiến hành thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ đối với em Nguyễn Thị Lê. Em Lê đọc trơn, không phải đánh vần bài văn xuôi Hội đua voi ở Tây Nguyên (sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3).
Trong 68 giây, em đọc được 70 âm tiết (chuẩn quy định trong 60 giây, phải đọc được 60 âm tiết). Có một vài âm em đọc hơi chệch do cách phát âm ở địa phương.
Trực tiếp đọc bài thơ Chú ở bên Bác Hồ để em Lê chép (viết chính tả), trong 6 phút, em Lê đã nghe, viết được đầu đề và hai khổ thơ gồm 45 âm tiết. Chữ em Lê viết tương đối rõ ràng; trong 45 âm tiết, em viết đúng 44 âm; hầu hết các chữ cái đầu của các âm tiết chỉ tên riêng và âm tiết đầu dòng, em đều không viết hoa.
PV cho em Lê làm các phép tính trong phạm vi chương trình lớp 3. Trong 5 phút, em Lê chép đề và làm xong 5 bài tính cộng, trừ, nhân, chia; em đặt phép tính đúng; làm đúng 3 phép tính cộng, nhân, chia không có nhớ; làm sai 2 phép tính trừ, chia có nhớ.
Ghi nhận của PV báo Giáo dục và Thời đại cũng trùng với đánh giá của Đoàn kiểm tra Sở GD&ĐT Nghệ An do ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở - dẫn đầu.
Để kiểm tra kỹ năng đọc, viết của hai em Nguyễn Thị Lê và Lê Thị Huế, các chuyên viên Phòng đã cho các em đọc bài thơ Cái cầu và thực hiện nghe - viết đoạn văn Trần Bình Trọng trong sách giáo khoa lớp 3 hiện hành.
Kết quả các em đọc được đoạn văn mà không cần phải đánh vần và viết được đoạn văn. Tuy nhiên vẫn còn mắc một số lỗi chính tả như tên riêng, chữ đầu câu chưa được viết hoa, nhầm lẫn giữa dấu ngoặc đơn, dấu ngoặc kép.
Đồng thời, các chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương đã đưa ra các tờ tiền có mệnh giá khác nhau, em Nguyễn Thị Lê đã đọc được các thông tin và phân biệt được các chữ số trên các tờ tiền một cách mạch lạc.
Đoàn đã tiến hành khảo sát chất lượng theo chuẩn lớp 3 môn Tiếng Việt và môn Toán đối với em Nguyễn Thị Lê, đánh giá cho thấy: So sánh với bài kiểm tra định kỳ cuối lớp 3 năm học 2012 - 2013, em Lê đã có sự tiến bộ rõ rệt về kỹ năng đọc, viết và tính toán.
Nếu tiếp tục quan tâm, giúp đỡ đúng mức, cuối năm học, em Lê hoàn toàn có thể đạt chuẩn chương trình lớp 3 (theo Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình tiểu học) để lên lớp 4.
Kiên quyết xử lý, nghiêm túc rút kinh nghiệm
Qua hồ sơ lưu giữ của nhà trường, PV phát hiện sự thiếu ý thức tinh thần trách nhiệm của một số giáo viên, thể hiện qua những điểm số, cách thức chấm bài kiểm tra.
Trong bài kiểm tra lần thứ 4 (cuối năm học 2010 - 2011) môn Tiếng Việt lớp 1, câu 1 (5 điểm) - chép đúng chính tả một đoạn văn, em Lê chép sai gần hết nhưng giáo viên vẫn cho 4 điểm. Giáo viên chỉ chỉ ra được gần một nửa lỗi học sinh Lê chép sai, chấm điểm 7/10 điểm (toàn bài, 4 câu). Và bài kiểm tra cho 7 điểm, nhưng trong học bạ, cô giáo lại chỉ ghi 6 điểm.
Nhìn vào hồ sơ mà trường còn lưu giữ, đúng ra em Lê phải lưu ban ngay từ lớp 1. Lên lớp 2, dù học kém, cô giáo vẫn đánh giá là trung bình và cho em lên lớp 3.
Năm học 2012 – 2013 - năm em Lê học lớp 3, cô giáo đã phát hiện em là một học sinh yếu nên đã có một số biện pháp giúp đỡ (kể cả trong hè vừa qua). Song cô giáo lớp 3 không thể lấp hết lỗ hổng về kiến thức cho Lê nên đã kiên quyết đề nghị nhà trường cho em lưu ban lại lớp 3.
Phía Đoàn công tác của Sở GD&ĐT Nghệ An sau khi kiểm tra kiến thức của học sinh cũng yêu cầu Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Văn xuất trình sổ điểm của các lớp; hồ sơ theo dõi học sinh yếu kém, học sinh khuyết tật; học bạ và bài kiểm tra định kỳ của các học sinh có liên quan từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2013 - 2014; các hồ sơ quản lý dạy học khác của lãnh đạo nhà trường; đồng thời báo cáo những vấn đề mà báo chí đã phản ảnh.
Đoàn công tác đã họp với lãnh đạo nhà trường, phân tích, chỉ ra những khuyết điểm của lãnh đạo nhà trường, giáo viên dạy lớp 1, lớp 2; nhất là trách nhiệm quan tâm giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn về đời sống, học sinh có khó khăn về học tập, về tổ chức kiểm tra đánh giá và xét lên lớp hàng năm.
Bên cạnh đó, Sở giao trách nhiệm cho Phòng GD&ĐT Thanh Chương tổ chức kiểm điểm xử lý trách nhiệm, rút kinh nghiệm đối với lãnh đạo nhà trường và giáo viên trong công tác quản lý chuyên môn; trong dạy học, giáo dục; trong việc phối hợp với gia đình, xã hội và chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót của nhà trường và báo cáo bằng văn bản về Sở trước ngày 15/3/2014.
Đồng thời yêu cầu Trường Tiểu học Thanh Văn kiểm điểm nghiêm túc việc quản lý, tổ chức dạy học cho những cho sinh có hoàn cảnh khó khăn và công tác kiểm tra định kỳ, xét lên lớp. Đối tượng phải kiểm điểm là Hiệu trưởng, Hiệu phó nhà trường và các giáo viên chủ nhiệm các lớp trước của học sinh.
Dù vụ việc không nghiêm trọng như báo chí phản ảnh, nhưng theo ông Trần Thế Sơn - Trưởng Phòng Tiểu học (Sở GD&ĐT Nghệ An), Sở sẽ xử lý nghiêm, không bao che, không giấu khuyết điểm. Với tinh thần quyết liệt xử lý, kỷ luật, rút kinh nghiệm để ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.
Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ ra công văn chấn chỉnh, rà soát lại việc dạy học, bồi dưỡng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên phạm vi toàn tỉnh - Ông Trần Thế Sơn nhấn mạnh.
Báo cáo cho thấy, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có các bước kiểm điểm rất nghiêm túc, chặt chẽ trên cơ sở kiểm tra thực tế.
Trường Tiểu học Thanh Văn đã làm đúng các quy trình về đánh giá học sinh nhưng chưa triệt để, chưa đánh giá đúng thực chất học lực của học sinh theo hướng dẫn của Thông tư 32, đồng thời chưa sâu sát trong việc phân chia đối tượng học sinh để có hướng giúp đỡ kịp thời.
Bộ GD&ĐT không nương nhẹ trong việc xử lý các sai phạm, nghiêm túc rút kinh nghiệm toàn Ngành để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT)
Trần Thị Thắm