Như thông tin đã đưa, đầu năm 2011, anh Võ Trung Tuấn - Sinh năm 1978, trú xã Quảng Hưng (Quảng Trạch, Quảng Bình) được một người bà con giới thiệu bà Nguyễn Thị Thanh Hoa (SN 1962, trú số 9B Ngô Thời Nhậm, phường Thuận Hòa, TP Huế) có khả năng xin được việc làm tại địa bàn Quảng Bình.
Sau khi tìm hiểu và “nắm” hoàn cảnh của gia đình bà Hoa, Tuấn đã tin tưởng và nhờ Hoa xin việc cho 2 người cháu của mình, Hoa đã đưa ra mức giá 100 – 150 triệu đồng/suất.
Do tin tưởng vào khả năng và mối quan hệ của Hoa, nên từ tháng 8 - 12/2011, Tuấn đã nhận hồ sơ và tiền của những người có nhu cầu xin việc, giao cho Hoa tổng cộng 45 bộ hồ sơ cùng số tiền 2.075 tỷ đồng tiền ứng trước.
Hoa hứa hẹn sẽ xin cho số người này vào làm việc tại 13 cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Nội dung các giấy nhận tiền để xin việc, Hoa đều ghi cụ thể làm việc ở đâu và cam kết thời gian đi làm, nếu không thực hiện như cam kết thì trả lại toàn bộ tiền và chịu lãi suất 1,6%/tháng.
Toàn bộ số tiền thu được, Hoa sử dụng vào mục đích cá nhân, khi hết thời hạn cam kết. Hoa vẫn không xin được việc làm cho ai nên Tuấn đã yêu cầu Hoa trả lại tiền.
Sau nhiều lần hứa hẹn, Hoa đã trả lại cho Tuấn, 1.080 triệu đồng. Quá trình điều tra và giải quyết đơn tố giác tội phạm, Hoa đã trả lại cho Tuấn 570 triệu đồng, số tiền còn lại, Tuấn không yêu cầu bồi thường và có đơn bãi nại về phần dân sự.
Đến đây, nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao bà Hoa nhận chạy việc nhưng lại chịu lãi suất 1,6%/tháng?. Hơn nữa, trong hồ sơ vụ án, cũng như trong các biên bản lời khai, với mỗi hợp đồng xin việc, bà Hoa nhận trước 30 triệu. Vậy thì với tổng 45 hồ sơ xin việc, tại sao con số ứng trước lại tới số tiền hơn 2 tỷ đồng?.
Đứng trước tòa, với giọng nói run run, bà Hoa giải thích: “Thực chất số tiền bị cáo chỉ nhận 800 triệu đồng từ Tuấn, còn số tiền hơn 2 tỷ là tiền tính lãi nóng”.
Trước câu trả lời như trên, vị thẩm phán phiên tòa hỏi lại, tại sao trong tất cả các giấy tờ nhận tiền đều có chữ ký của bị cáo?.
Bị cáo Hoa trả lời: “Trước khi xảy ra sự việc, Tuấn đã đến nhà và gây áp lực với cả gia đình bị cáo, Tuấn nói, số tiền trên là Tuấn đi vay lãi nóng với lãi suất cao. Vì sợ ảnh hưởng tới gia đình, tới công việc của chồng con và sợ hàng xóm biết nên bị cáo đã ký vào các giấy tờ nhận tiền nói trên”.
Tuy nhiên, khi nói đến các vấn đề này, bà Hoa không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào chứng minh, nên đã bị HĐXD bác bỏ.
Đứng trước tòa, mỗi lần nhắc đến gia đình, chồng và hai con trai, “bà trùm” lại khóc nấc. Không biết, khi đứng ra nhận tiền lừa chạy việc cho hàng trăm người, bà Hoa có nghĩ đến tình huống “trớ trêu” này không?.
Trong phiên tòa, sự day dứt lương tâm và nỗi buồn dâng cao đến tột độ khi vị luật sư bào chữa đưa ra những tình tiết giảm nhẹ cho Hoa (gia đình có nhiều cống hiến cho ngành y; chồng là bác sỹ giỏi, được Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen, hiện hai con trai cũng đang công tác trong ngành y ở Huế) và nhận được sự phản đối từ những bị hại khác.
Họ cho rằng, tại sao với gia đình như vậy (chồng và các con trai đều là bác sỹ giỏi), bản thân bà Hoa có đủ kiến thức, hiểu biết pháp luật nhưng lại thực hiện hành vi lừa đảo xin việc?.
Đây có lẽ không chỉ là câu hỏi của bị hại, mà là câu hỏi chung cho cả dư luận xã hội sau khi biết được hoàn cảnh gia đình của bà và những việc làm phi pháp mà người đàn bà này đảm nhận.
Sáng ngày 29/10, tại TAND tỉnh Quảng Bình diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hoa về tội danh Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Kết thúc phiên tòa, căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hoa 7 năm tù giam, không xem xét trách nhiệm dân sự. Cũng liên quan đến "nữ quái" Nguyễn Thị Thanh Hoa, mới đây, cơ quan CSĐT Công an tỉnh TT - Huế cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thanh Hoa (53 tuổi, trú số 9B Ngô Thời Nhậm, phường Thuận Hòa, TP Huế) về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Được biết, với chiêu trò xin việc, “nữ quái” đã khiến gần 300 người sập bẫy với số tiền trên 22 tỷ đồng. |