Lầu Năm Góc được xây dựng năm 1943. Nước Mỹ khi đó vẫn đang trong thời kỳ phân biệt chủng tộc nên người ta thiết kế 284 phòng tắm riêng biệt để phục vụ nhân viên da trắng và da màu. Hiện nay, công trình là nơi làm việc của 23.000 quân nhân hoặc chuyên viên dân sự cùng 3.000 người giúp việc. Nó nằm ở hạt Arlington, bang Virginia. |
Người Mỹ hoàn thiện Lầu Năm Góc trong thời gian ngắn kỷ lục. Công trình được động thổ ngày 11/9/1941 và đưa vào sử dụng ngày 15/1/1943, trong khi các công trình quy mô tương tự thường mất 4 năm để hoàn thiện. Hoạt động xây dựng Lầu Năm Góc diễn ra suốt ngày đêm vì 15.000 người cần chỗ làm việc. |
Trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ là tòa nhà văn phòng lớn nhất hành tinh. Nó bao gồm 5 khối nhà 5 tầng (và 2 tầng hầm), xếp thành hình ngũ giác. Diện tích Lầu Năm Góc lớn gấp đôi tòa nhà Empire State lừng danh. |
Lầu Năm Góc có kích thước khổng lồ nhưng hoàn toàn không được trang bị thang máy. Công trình này ra đời trong Thế chiến II nên nước Mỹ chọn cách xây thấp để tiết kiệm sắt phục vụ chiến tranh. |
Trong Chiến tranh Lạnh, Lầu Năm Góc được gọi là “vùng số 0” vì người Mỹ tin rằng nó sẽ là mục tiêu đầu tiên bị tấn công hạt nhân nếu Liên Xô khai hỏa tên lửa đạn đạo. |
Các hành lang của Lầu Năm Góc có tổng chiều dài 28,2 km. Tướng Eisenhower, sau này trở thành tổng thống thứ 34 của Mỹ, đã đi lạc trong công trình khi ông còn làm việc tại Bộ Quốc phòng Mỹ. |
Thiếu tá Leslie Groves, người giám sát xây dựng Lầu Năm Góc, cũng chính là người chịu trách nhiệm Dự án Manhattan nhằm tạo ra quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới. |
Vụ tấn công ngày 11/9/2001 xảy ra đúng 60 năm sau ngày khởi công xây dựng Lầu Năm Góc. Không tặc cướp chuyến bay số hiệu 77 của hãng hàng không American Airlines trước khi lao nó xuống mặt phía đông của tòa nhà khiến gần 200 người thiệt mạng. Vụ tấn công buộc Bộ Quốc phòng Mỹ sửa chữa toàn bộ công trình với chi phí khoảng 5 tỷ USD. |