Sự ham học đã vượt lên tất cả

Với những tân sinh viên này, sự khốn khó là điều phải đối mặt hằng ngày. Nhưng chính sự ham học là động lực khiến các bạn vượt lên trên mọi thử thách của số phận, để tiếp tục đến trường và thực hiện ước mơ của mình.

Vũ Ngọc Hải dạy kèm môn toán lớp 9 cho em Nguyễn Đức Anh ở cách nhà gần 2 km. Ảnh: Đức Hiếu
Vũ Ngọc Hải dạy kèm môn toán lớp 9 cho em Nguyễn Đức Anh ở cách nhà gần 2 km. Ảnh: Đức Hiếu

Gà trống nuôi em

Được tin Vũ Ngọc Hải (tổ 4, khu Dốc Thông, phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) đỗ Trường ĐH Giao thông vận tải, bà con khu dân phố nghèo ở mãi trên đỉnh dốc Thông ai cũng tìm đến chia vui với anh chàng “gà trống nuôi... em”.

Vừa thi đại học xong, cậu học trò đất mỏ đã quay lại công việc gia sư hằng ngày để kiếm sống, nuôi em gái và nuôi cả giấc mơ đại học. 

Ánh mắt dõi về phía bàn thờ, nơi có di ảnh của bố, giọng Hải buồn bã: “Năm em lớp 9, mẹ vì thua bạc nên phải bỏ nhà đi tránh nợ, bố em khi đó chỉ làm bảo vệ cho một công ty tư nhân nên gia cảnh càng thêm khó”. 

15 tuổi, được sự giới thiệu của Đoàn phường, Hải vào làm bưng bê tại quán cà phê gần nhà phụ giúp bố.

Bi kịch tiếp tục đổ ập xuống gia đình nhỏ khi người bố đột ngột qua đời trong những ngày giáp tết năm 2012, khi Hải đang học lớp 10. 

“Chiều 27 tết, bố vẫn còn gọi điện hồ hởi bảo sẽ về đưa hai anh em đi sắm đồ, em không ngờ đó là lần cuối cùng được nghe giọng bố...” - Hải nhớ lại. 

Bố mất, mẹ chỉ về chớp nhoáng chịu tang rồi lại trốn đi miết cùng những khoản vay chưa trả, Hải vừa học, vừa đi dạy thêm kiếm tiền trả nợ cho mẹ, nuôi em: “Nhiều lúc thấy em gái (năm nay 9 tuổi) khóc thầm gọi bố, gọi mẹ cũng tủi thân lắm” - Hải tâm sự.

Cô Nguyễn Thu Thủy - Giáo viên chủ nhiệm lớp 12A9 (Trường THPT Lương Thế Vinh - Cẩm Phả), kể: Hải vốn sống nội tâm nên sau khi bố mất, có một thời gian Hải thu mình lại. Có bạn bè, thầy cô giúp đỡ, Hải dần trở lại vui vẻ và giữ vững phong độ ba năm là học sinh giỏi.

Ngoài giờ học ở lớp, cứ hàng tối Hải lại tất tả gửi em rồi ăn vội hộp cơm mua sẵn trước khi đi kèm thêm cho mấy học sinh gần nhà, đến tối mịt mới về. 

Gương mặt đăm chiêu như già trước tuổi, Hải chi li: “Mỗi tuần em dạy năm buổi, mỗi buổi được 100.000 đồng. Chi tiêu ăn uống hết hơn nửa, còn lại tiết kiệm đề phòng lúc anh em ốm đau và để cuối tháng nộp tiền học tiếng Anh cho em gái”.

Hỏi Hải vì sao chọn ngành kỹ thuật công trình giao thông, phải đi lại nhiều công trình vất vả, Hải chỉ cười hiền: “Khoa đấy dễ xin việc, có việc làm thì mới có tiền gửi về cho em gái”.

Cô học trò 18 năm trông cha

Đỗ Quỳnh Hương chơi cùng các cháu, con của người chị cùng nhà Hoa Sen, làng SOS. Ảnh: Đức HiếuĐỗ Quỳnh Hương chơi cùng các cháu, con của người chị cùng nhà Hoa Sen, làng SOS. Ảnh: Đức Hiếu

Sinh ra đã không biết mặt cha, hai người thân yêu nhất là mẹ và bà cũng mất sớm, ngôi nhà mang tên Hoa Sen tại làng trẻ SOS (phường Đằng Giang, Ngô Quyền, Hải Phòng) trở thành chốn đi về của Đỗ Quỳnh Hương đã sáu năm nay.

Dáng người bé nhỏ, điều duy nhất làm mọi người nhớ đến Hương là đôi mắt buồn, đen lay láy. Tuổi thơ Hương là chuỗi ngày êm đềm bên mẹ và bà ngoại. Mẹ bị lòa, mở quán nước nhỏ nên Hương trở thành đôi mắt của mẹ mỗi khi khách đến trả tiền. 

Năm ấy bà ngoại Hương đã gần 90 tuổi nhưng vẫn khỏe, ngày nào cũng ra chợ buôn bán kiếm đồng ra đồng vào cơm nước cho con cháu. Cuộc sống ba người cứ thế trôi qua, cho đến một ngày cơn bạo bệnh cướp mất người mẹ thân yêu khi Hương mới lên 9...

Lên THCS, niềm hạnh phúc của Hương là những ngày tháng được sống cùng bà ngoại. “Bà thương em lắm, dù yếu cũng cố kiếm con tôm, con cá để nuôi em chứ không đồng ý cho em vào trại trẻ mồ côi” - ánh mắt nhìn xa vắng, Hương kể.

Đến năm Hương học lớp 7, bà già yếu không thể nuôi Hương được nữa nên em vào làng trẻ SOS. Rồi vào năm học cuối cấp THCS, đêm 27 Tết bà cũng mất... Hương trở thành cô bé côi cút trên đời.

Đỗ nguyện vọng 1 Trường Đại học Hải Phòng nhưng lại chọn theo học nguyện vọng 2 chuyên ngành thiết kế tàu thủy của Trường đại học Hàng hải, Hương bày tỏ: 

“Mẹ em sinh ra ở xã Văn Phong, huyện đảo Cát Hải, em không thấy mẹ đi xa bao giờ nên chắc cha chỉ sống ở Cát Hải hay những đảo xung quanh thôi. Em mơ ước một ngày đi trên con tàu tự mình thiết kế sẽ tìm được cha”.

Chuyện của chị em Tơ - Lụa

Chị em Tơ - Lụa háo hức chờ ngày chính thức trở thành tân sinh viên. Ảnh: Việt DũngChị em Tơ - Lụa háo hức chờ ngày chính thức trở thành tân sinh viên. Ảnh: Việt Dũng

Chúng tôi gặp hai chị em sinh đôi Nguyễn Thị Tơ và Nguyễn Thị Lụa (18 tuổi, xã Phú Hòa, Lương Tài, Bắc Ninh). Tơ, Lụa ở tại nhà cậu ruột tại quận Long Biên (Hà Nội) khi đang chờ ngày nhập học. 

Hai chị em nhỏ nhắn, hiền lành, mặc bộ đồng phục cũ của trường THPT ngồi khép nép. Hỏi chuyện gia đình, Lụa rơi nước mắt, nghẹn ngào không nói nên lời...

Trong bức thư xúc động gửi về cho ban tổ chức học bổng “Tiếp sức đến trường”, Tơ - Lụa kể nhiều về người mẹ tảo tần, đầy hi sinh của mình. 

Để nuôi con khôn lớn, người mẹ ấy không từ bất cứ công việc nặng nhọc nào. Bà còn bỏ quê vào TPHCM kiếm sống bằng nghề bán hoa quả, mua ve chai... 

Tuổi thơ của Tơ và Lụa ngoài sự thiếu vắng tình cảm của người cha, còn là những trận đòn tàn khốc mà người cha thô bạo trút xuống những đứa con gái...

Ký ức về những trận đòi roi ấy làm câu chuyện của hai chị em thỉnh thoảng bị gián đoạn bởi những phút trầm ngâm. Suốt câu chuyện, Tơ, Lụa kể về người mẹ ngày lam lũ ngoài ruộng, đêm thức quá nửa khuya để may rèm cửa kiếm tiền nuôi bốn đứa con. 

Lụa bảo: “Lúc bố đánh, hai chị em phải bó bột nửa tháng trời. Sau đó bố mẹ bỏ nhau, em thấy mẹ vất vả quá tính bỏ học đi làm giúp mẹ”. Còn Tơ kể: “Năm học lớp 11, mẹ phải theo người ta sang tận Bắc Ninh đi gánh gạch, chở đất, lấp ao. Nhìn mẹ đi làm đêm hôm vất vả như thế em không đành lòng...”. 

Nhưng rồi sự ham học đã vượt lên tất cả. Hai chị em vẫn một buổi tới trường, một buổi ra đồng làm ruộng hay giúp mẹ may rèm kiếm thêm tiền.

Không phụ lòng mẹ, lên THPT cả hai chị em đều đỗ vào lớp chuyên toán của Trường THPT Lương Tài. Ngày biết mình trúng tuyển vào khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Kinh tế quốc dân với cùng số điểm 21,5, hai chị em mừng đến chảy nước mắt.

Ngày hai con nhập học, bà Huệ đã bán đi đàn gà vịt 20 con và mấy tạ thóc mà vẫn chỉ đủ tiền để mua sắm cho con đồ dùng cá nhân và dư một khoản để hai con ăn uống, thuê phòng trọ. 

Tiền nhập trường của hai chị em mất gần 8 triệu đồng, cậu ruột đã cho vay. Tơ, Lụa xuống Hà Nội kèm nỗi lo trĩu nặng và lời dặn dò của mẹ: “Mỗi ngày hai chị em chỉ được ăn 20.000 đồng thôi con nhé!”. 20.000 đồng làm sao hai chị em đủ ăn một ngày? Người nghe lo lắng nhưng với Tơ, Lụa dường như đó không thành vấn đề.

Lụa vui vẻ khoe đã đăng ký chuyên ngành quản trị kinh doanh thương mại, còn Tơ đăng ký học ngành thương mại quốc tế. Lụa bảo: “Chúng em còn thật nhiều ước mơ: học thật giỏi để trở thành nhà kinh doanh giỏi, báo đáp công ơn nuôi dạy của mẹ...”. 

Ước mơ, hoài bão đẹp đẽ ấy là thử thách của hai chị em và hẳn nhiên là nỗi lo trĩu nặng của người mẹ nghèo trong những ngày sắp tới.

Theo tuoitre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ