Sự hài lòng của người bệnh: “Sống còn” của cơ sở y tế

GD&TĐ - Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E (Hà Nội), đã đến lúc các bệnh viện phải coi người bệnh là khách hàng đặc biệt và phục vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất của người thầy thuốc. Bởi vì, bệnh viện nào không làm hài lòng người bệnh thì sẽ bị ảnh hưởng nhiều mặt như tài chính, đầu tư, nhất là thu hút người bệnh đến khám, chữa bệnh.

Sự hài lòng của người bệnh:  “Sống còn” của cơ sở y tế

Tiếp tục đổi mới thái độ người thầy thuốc

Theo một cuộc khảo sát của đoàn kiểm tra của Bộ Y tế thực hiện cuối năm 2017, với tổng số 40 bệnh nhân được phỏng vấn cho thấy, tại Bệnh viện E, thời gian chờ đợi khám chữa bệnh trung bình là 19,2 phút, thời gian khám bệnh là 12,3 phút, thời gian nhận kết quả lâm sàng 50,3 phút. Tổng thời gian chờ là 81,8 phút. Gần 97% người dân hài lòng về thời gian khám chữa bệnh tại Bệnh viện E. Tính chung, Bệnh viện E cao hơn mức trung bình các bệnh viện tuyến Trung ương về các chỉ số như hài lòng về thời gian chờ đợi, thời gian khám bệnh cũng như chờ nhận kết quả xét nghiệm.

Trước đây, nhiều bệnh nhân bày tỏ sự không hài lòng với việc khám bệnh chóng vánh hoặc có thắc mắc muốn được giải đáp nhưng đã không hỏi bác sĩ được. Hiện nay, tại các bệnh viện này, dù số lượng bệnh nhân đến khám rất đông, từ 1.200- 1.500 bệnh nhân/ngày nhưng thái độ phục vụ của nhân viên y tế đã có sự đổi thay.

Ông Trần Ngọc Lương - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết: Việc tiếp đón, hướng dẫn và cung cấp thông tin cho người bệnh về quy trình khám, chữa bệnh, địa điểm cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh; các thủ tục hành chính, chế độ chính sách liên quan khám, chữa bệnh… được bệnh viện thực hiện tận tình, chu đáo hơn so với trước.

Bên cạnh đó, bệnh viện ưu tiên đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp tại khu vực khám bệnh, trong phòng bệnh; ghế ngồi cho người bệnh chờ khám được trang bị đầy đủ, nước uống, quạt mát phục vụ người bệnh cũng được quan tâm đáp ứng. Dịch vụ căng-tin và các dịch vụ hỗ trợ khác trong bệnh viện cũng đã được cải tiến theo xu hướng vừa bảo đảm chất lượng vừa hợp lý về giá cả…

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) Phạm Văn Tác chia sẻ: Bên cạnh việc kiểm tra đột xuất các bệnh viện, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành tiêu chí chấm nhằm thống nhất đo lường, đánh giá tại các bệnh viện. Cụ thể, sự hài lòng của người bệnh với các bệnh viện sẽ được đánh giá theo 5 nhóm tiêu chí gồm: Nhóm chỉ số về tiếp cận (từ nhà đến cơ sở cung cấp dịch vụ, biển báo, chỉ dân); nhóm chỉ số về minh bạch thông tin và thủ tục hành chính; nhóm chỉ số về cơ sở vật chất; nhóm chỉ số về nhân viên y tế; nhóm chỉ số về kết quả cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, bổ sung thêm một số tiêu chí mang tính đặc thù của dịch vụ y tế là đánh giá sự hài lòng và ý kiến của người bệnh đối với việc chi phí đồng chi trả các kỹ thuật, thuốc men trong dịch vụ y tế của từng người bệnh có tham gia bảo hiểm y tế...

Kết quả đánh giá độc lập của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) tại 22 bệnh viện (11 bệnh viện tuyến T.Ư, 8 bệnh viện tỉnh và 3 bệnh viện huyện) cho thấy: Mức độ hài lòng chung của người bệnh về thời gian khám bệnh đạt 81,3%; mức độ hài lòng của người bệnh đối với phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế đạt 89,8% (bệnh viện tuyến Trung ương: 88%; tuyến tỉnh: 94%; tuyến huyện: 85,7%).

Đáng chú ý nhiều bệnh viện có tỷ lệ hài lòng của người bệnh đối với phong cách, thái độ phục vụ và kỹ năng giao tiếp của nhân viên y tế đạt hơn 90% như: Lão khoa T.Ư, Tai mũi họng T.Ư, Da liễu T.Ư, Nội tiết T.Ư, E, Nhân dân 115, Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Đa khoa quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh)... Với kết quả này, ngành Y tế hoàn thành trước thời hạn nhiệm vụ về cải cách hành chính là đến năm 2020 tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế đạt hơn 80%.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, sự hài lòng của người bệnh là thước đo quan trọng phản ánh quá trình đổi mới phát triển ngành Y tế và của từng cơ sở y tế. Do vậy, một mặt các cơ sở y tế cần tổ chức thực hiện thật tốt. Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền, giải thích để người bệnh, người dân thấy được quyền lợi, nghĩa vụ khi đi khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện nội quy, quy định của bệnh viện, tôn trọng cán bộ y tế… tiếp tục đẩy mạnh, duy trì hoạt động đường dây nóng, hòm thư góp ý, quy định trang phục y tế và tổ chức các phong trào thi đua trong bệnh viện, xây dựng phong cách văn minh, thân thiện...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ