Sự chuyển mình trong phương pháp giảng dạy của giáo viên

GD&TĐ - Chúng ta đã nghe quá nhiều đến cụm từ “Lấy học sinh làm trung tâm”, nhưng thực chất đây là một điều còn khá mơ hồ đối với nhiều giáo viên. Vậy làm thế nào để hiện thực hóa mục tiêu đó trong quá trình giảng dạy?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giáo viên cần đưa học sinh vào quá trình kiến tạo tiết học
Kiến tạo đầu tiên: nguyên tắc lớp học.

Đây là phần mở đầu vô cùng quan trọng đối với giáo viên nếu bạn muốn quản lý được học sinh trong suốt tiết dạy.
Có nhiều cách để giáo viên và học sinh cùng nhau xây dựng. Tuy nhiên, giáo viên cần lưu ý tránh làm cho không khí lớp học trở nên nặng nề khi nhắc đến nguyên tắc.

Giáo viên trường chúng tôi đã sử dụng sự hỗ trợ của công nghệ và để các em học sinh - những chủ thể sáng tạo cùng tham gia vào hoạt động này. Đây cũng là cách giúp các em tiếp cận với các ứng dụng công nghệ thông tin mới, giúp các em tăng cường trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo và tinh thần trách nhiệm với tập thể.

Một phần mềm dựng video được giáo viên sử dụng để tạo nên những clip học tập sinh động
 Một phần mềm dựng video được giáo viên sử dụng để tạo nên những clip học tập sinh động
Kiến tạo thứ hai: để chính học sinh xây dựng mục tiêu học tập cho chính bản thân.
Mỗi học sinh là một cá thể độc lập và độc đáo theo cách riêng. Cùng một chuyên đề, cùng một sự việc, hiện tượng nhưng mỗi cá nhân lại có góc nhìn khác nhau tùy theo năng lực bản thân. Vì vậy, việc để học sinh tự xây dựng mục tiêu mà các em mong muốn được tìm hiểu trong tiết học là vô cùng cần thiết. 
Chẳng hạn, cùng học tác phẩm “Bánh trôi nước” nhưng mỗi học sinh lại xây dựng cho mình những mục tiêu khác nhau dựa trên thang tư duy Bloom được giáo viên định hướng: Biết – Hiểu – Vận dụng – Phân tích – Đánh giá – Sáng tạo.
Có học sinh chọn mục tiêu của bản thân là biết được nguồn gốc và cách làm bánh trôi nước; bạn khác lại muốn phân tích nội dung và nghệ thuật của văn bản để đánh giá đóng góp của Hồ Xuân Hương cho nền văn học nước nhà; hoặc các bạn chọn sáng tạo một văn bản, một bài hát dựa tên ý tưởng của Hồ Xuân Hương…
Nhiệm vụ của giáo viên là định hướng để giúp học sinh xây dựng mục tiêu đúng trọng tâm:
Mục tiêu về kiến thức cần đạt: Mục tiêu về các kĩ năng cần rèn luyện trong tiết học.
Bản thân giáo viên cũng cảm thấy được thử thách trước những mục tiêu của học sinh bởi không thể đoán hết được mục tiêu mà các em sẽ đặt ra là gì? Bài soạn của mình có thực sự đáp ứng mục tiêu mà học sinh mong đợi hay không? Chính vì vậy, giáo viên sẽ phải luôn tự đặt nhiều mục tiêu, tự tìm kiếm nhiều câu trả lời để không lúng túng trước học sinh.  
 
Kiến tạo thứ ba: phát triển tư duy phản biện, kĩ năng đặt câu hỏi đúng trọng tâm cho học sinh
Sau khi cho học sinh đặt mục tiêu, giáo viên yêu cầu mỗi học sinh đặt ít nhất 1 câu hỏi muốn tìm hiểu thêm về nội dung bài học. Chỉ khi biết đặt câu hỏi về những điều bản thân tò mò muốn biết thì học sinh mới có hứng thú với nội dung học tập. 
Quay trở lại với bài “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương, một loạt những câu hỏi được học sinh đặt ra để thỏa mãn sự tò mò, sự ham hiểu biết và thậm chí là thỏa mãn tính hay “cà khịa” của mấy cô cậu cá tính muốn bắt bí giáo viên. 
Chẳng hạn, có câu hỏi xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Hồ Xuân Hương; Bà viết bài thơ này nhằm mục đích gì?; Tại sao trong bao nhiêu thứ gần gũi với nhà nông, bà không chọn tả đậu đen, đậu xanh, hạt sen mà lại chọn bánh trôi nước?; Làm thế nào để tạo nên được chiếc bánh trôi?; Nguồn gốc của tục ăn bánh trôi nước này là gì?; Việc ăn bánh trôi nước có liên quan gì đến nét văn hóa của người Việt?...
Với rất nhiều câu hỏi từ học sinh, giáo viên cần phải thực sự nghiêm túc trong việc nghiên cứu sâu bài giảng, dự đoán trước mong đợi của học sinh để chuẩn bị tốt nhất.

Giáo viên cần ứng dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh trong lớp.
Thời gian làm việc tại trường đã mang lại cho tôi điều kiện được liên tục học hỏi và rèn luyện chính bản thân mình để có thể tiếp cận với các kĩ năng và tri thức của giáo dục thế giới. Để tôi hiểu những điều mà người giáo viên cần phải theo đuổi trong một nền giáo dục chân chính.
Hình thức Talkshow khi báo cáo Dự án “Có một Sài Gòn như thế”
 Hình thức Talkshow khi báo cáo Dự án “Có một Sài Gòn như thế”
 Với học thuyết đa trí thông minh, giáo viên cần dành thời gian đủ nhiều để có thể hiểu được tính cách, năng lực, thói quen, khả năng tiếp cận kiến thức của mỗi học sinh. Từ đó, giáo viên cá thể hóa hay giảng dạy cá nhân hóa để áp dụng hiệu quả và thiết thực học thuyết đa trí thông minh vào quá trình giảng dạy.
Hãy kiên trì và bền bỉ giúp học sinh có thể tự tin tỏa sáng bằng chính khả năng của mình trong toàn bộ quá trình học tập và sinh hoạt. Hãy giúp một học sinh có khả năng Mỹ thuật trở nên tự tin bằng những thiết kế của con trong lớp học. Nho nhỏ như một chiếc bảng phân công trực nhật, lớn hơn là một cây tập hợp các mục tiêu của các thành viên trong một tập thể.
Hình ảnh ghi lại trong một tiết học về chuyên đề văn tự sự trong dự án “Có một Sài Gòn như thế”.
 Hình ảnh ghi lại trong một tiết học về chuyên đề văn tự sự trong dự án “Có một Sài Gòn như thế”.
Hãy quan tâm đủ nhiều đến những học sinh còn rụt rè và e ngại để các em có thể tự tin điều khiển một giờ học theo phương pháp "Lớp học đảo ngược". Để khi thấy các thầy cô vào dự giờ đột ngột, dù rất run nhưng con vẫn nắm chặt tay để đi hết phần kiến thức mình được phân công.
Để khi kết thúc tiết học con đã òa khóc nức nở khi thấy mình đã vượt qua được chính bản thân mình một cách ngoạn mục. Và sau đó con đã đủ tự tin bày tỏ quan điểm cá nhân bằng một điểm số mà chưa bao giờ mình đạt được. Hạnh phúc của người làm nghề giáo chính là như vậy.
Có thể nói, để thực hiện được mục tiêu giáo dục “Lấy học sinh làm trung tâm”, mỗi giáo viên trong thời đại 4.0 cần nỗ lực và sáng tạo thật nhiều cách giúp học sinh chủ động phát huy hết khả năng của bản thân. Chúng tôi luôn cố gắng “chuyển mình” để tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp nhất cho các em, làm sao để không một học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ