Nhiều người nghĩ rằng họ chỉ cần quan tâm và kiểm soát tốt mức tiêu thụ tinh bột và tập thể dục là đủ để giúp đường máu ổn định. Tuy nhiên, nếu thường xuyên để stress xảy ra thì đường máu cũng khó có thể kiểm soát tốt...
Stress và đường máu liên quan như thế nào?
Khi stress xảy ra sẽ làm tăng sản xuất các hormon stress như cortisol và epinephrine dẫn đến tăng lượng đường trong máu để cung cấp cho bạn nhiều năng lượng hơn. Đây là một phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm chống lại các nguy hiểm đe dọa cơ thể bạn.
Tuy nhiên, mặt trái của tăng đường máu do stress gây khó khăn cho cơ thể để quản lý tình trạng tăng đường máu đột biến này, nhất là khi cơ thể đã không có đủ insulin trong bối cảnh bạn đang mắc bệnh đái tháo đường. Đó là lý do tại sao stress dưới mọi hình thức có thể góp phần làm tăng nồng độ đường trong máu của bạn.
Nguy cơ khi bạn bị stress kéo dài
Nếu bạn bị đái tháo đường và đang liên tục bị stress, điều này sẽ gây khó khăn cho bạn để kiểm soát tốt nồng độ đường trong máu.
Khi nồng độ đường trong máu thường xuyên cao do stress gây ra sẽ dẫn đến một số biến chứng sức khỏe, bao gồm các rối loạn về thận, giảm thị lực, tổn thương mạch máu, tổn thương thần kinh và có thể làm nhiễm khuẩn nặng và kéo dài.
Nếu không thực hiện các bước để kiểm soát lượng đường trong máu sẽ làm tăng nguy cơ các biến chứng tim mạch như đột quỵ và cơn đau tim.
Trong khi các hormon stress gây ra tăng lượng đường trong máu, có một số yếu tố khác cũng có thể làm cho mọi việc tồi tệ thêm. Bạn có thể mất cảm giác ngon miệng khi bị stress kéo dài.
Nhiều người bị stress kéo dài thường có khuynh hướng dùng các thực phẩm không tốt cho sức khỏe như khoai tây chiên hay bánh kẹo. Một số người bị stress kéo dài không kiểm soát được dung nạp của cơ thể, có thói quen ăn quá nhiều trong giai đoạn stress. Tất cả những thay đổi về hành vi cùng với kém hoạt động thể chất sẽ làm cho bệnh đái tháo đường trở nên tồi tệ hơn.
Đường huyết tăng cao gây nhiều hậu quả xấu.
Nhận biết sớm những dấu hiệu tăng đường máu do stress?
Nhận biết các triệu chứng sớm của tăng đường máu là rất quan trọng để có biện pháp cần thiết điều chỉnh ngay đường máu của bạn.
Những dấu hiệu sớm phổ biến nhất của đường máu cao là mệt mỏi, đi tiểu nhiều, mờ mắt và khát nước. Trong giai đoạn nặng, bạn có thể bị đau bụng, buồn nôn, hơi thở có mùi trái cây, thở nhanh, lú lẫn, yếu và bất tỉnh.
Hãy liên hệ với bác sĩ khi bạn gặp các triệu chứng ban đầu của đường máu cao hay bị tiêu chảy liên tục trong 24 giờ hoặc nhiều hơn. Tương tự như vậy, sốt kéo dài liên tục trong 24 giờ, lượng đường máu trên 250mg/dl trong hơn 24 giờ và nôn mửa liên tục trong hơn 24 giờ là các tình huống khác bạn cần đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh.
Làm thế nào để quản lý stress và đường máu?
Bạn có thể thực hiện một số bước để quản lý đường máu bằng cách quản lý tốt stress. Những lời khuyên sau đây sẽ giúp quản lý tốt stress:
Kiểm tra đường máu của bạn khi bạn đang bị stress. Bạn sẽ biết khi nào bạn bị stress và đây là thời điểm bạn nên theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu để điều chỉnh bằng chế độ ăn uống hoặc dùng thuốc theo hướng dẫn.
Thông báo cho bác sĩ của bạn khi có bất kỳ thay đổi trong cuộc sống có thể ảnh hưởng nồng độ đường trong máu của bạn. Dựa trên những thông tin bạn cung cấp, bác sĩ có thể thay đổi tạm thời liều lượng thuốc hoặc bổ sung một loại thuốc cần thiết.
Tìm hiểu để đối phó với những stress trong cuộc sống. Có một số cách đơn giản giúp thay đổi lối sống như đi bộ và tập trung thư giãn sẽ giúp giải stress khá hiệu quả.
Hãy thử tập thiền và kỹ thuật thở để kiểm soát tốt stress. Bạn cũng có thể xem xét thực hiện một số bài tập thể dục như đạp xe, bơi lội... để quản lý tốt đường máu. Tập luyện tốt và thường xuyên cũng sẽ giúp làm giảm stress và cải thiện tâm trạng của bạn.
Đôi khi, cách tốt nhất để thoát khỏi stress là tìm cách nói và bộc lộ những nguyên nhân gây stress. Thực hiện một cuộc trò chuyện với một người bạn, gia đình hoặc một người nào đó mà bạn tin tưởng.
Bạn sẽ cảm thấy tốt hơn nhiều một khi bạn đã nói chuyện về những bất an và căng thẳng của bạn. Thậm chí bạn có thể tham gia các cộng đồng hỗ trợ trực tuyến để có được bản lĩnh tốt hơn nhằm đối phó với stress.
Tự trang bị cho bạn kiến thức và hiểu biết tốt hơn về cách đối phó với bệnh đái tháo đường. Cần tái khám đúng hẹn với bác sĩ. Bạn cũng nên sử dụng bộ dụng cụ giám sát đường máu nhanh tại nhà để phát hiện bất kỳ thay đổi lượng đường trong máu của bạn.
Cần thực hiện các bước để cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn. Stress sẽ tăng lên và kéo dài khi bạn không ngủ đủ giấc. Thiếu ngủ cũng có thể dẫn đến rối loạn lo âu và khó khăn để quản lý lượng đường trong máu của bạn.
Hãy nhớ rằng ngủ quá nhiều (hơn 8,5 giờ mỗi đêm) cũng có thể làm lượng đường trong máu cao. Do đó, cần ngủ đủ thời gian cần thiết, vì ngủ quá nhiều hoặc quá ít đều không tốt cho đường máu.